* Gia đình tôi đông con nhưng đất sản xuất nông nghiệp lại quá ít, cuộc sống khó khăn nên vợ chồng tôi dự định lên khu rừng gần nhà do Nhà nước đang quản lý để phá rừng với một diện tích nhỏ nhằm lấy đất sản xuất nông nghiệp nuôi sống gia đình. Xin hỏi như vậy có vi phạm pháp luật không?
(Bà Y Hoa, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) gửi câu hỏi.
Theo quy định tại Điều 20 nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25-4-2019 của Chính phủ, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 07/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022) thì hành vi phá rừng được liệt kê gồm: chặt, đốt, phá cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, theo pháp luật hiện hành, hành vi phá rừng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại rừng theo quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Với mức xử phạt nhẹ nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm và nặng nhất là phạt tù có thời hạn đến 15 năm.
Bên cạnh đó, người phạm tội hủy hoại rừng là cá nhân còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Do đó, việc gia đình bà dự định phát, đốt một khoảnh rừng do Nhà nước đang quản lý, bảo vệ là hành vi vi phạm pháp luật.
Trường hợp gia đình bà khó khăn và thiếu đất sản xuất nông nghiệp thì có thể đề nghị địa phương xem xét, bố trí trong khả năng quỹ đất hiện có ở địa phương theo quy định pháp luật.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn