Ông Nguyễn Hữu Thiện - Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NNPTNT) chia sẻ với Lao Động về những khó khăn ngành kiểm lâm đang đương đầu và các chính sách hỗ trợ để giữ kiểm lâm gắn bó với nghề.
Thưa ông, thời gian gần đây có nhiều cán bộ kiểm lâm xin chuyển nghề, đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Nguyên do chính là gì?
- Là người từng nằm ở hiện trường 4 năm tại Tây Nguyên - là nơi khó khăn vất vả nhất, tôi thấy có mấy điểm cần chia sẻ. Thứ nhất là mặt xã hội, nhận thức của nhiều người cứ nghĩ rằng một cái cây gỗ đổ xuống được mang ra buôn bán là do kiểm lâm có tác động gì đấy; một con thú ở nhà hàng, khách đến ăn cũng cho rằng, chắc do kiểm lâm tiếp tay. Nhưng trên thực tế không phải thế.
Đâu đó có trường hợp cán bộ sai phạm, nhưng không mang tính đại diện để xóa bỏ công sức của anh em kiểm lâm… Cả nước có 11.861 cán bộ kiểm lâm, hàng nghìn người đang ngày đêm bảo vệ rừng và họ đang làm rất tốt nhưng không ai viết về họ, nhưng chỉ cần 1 vi phạm thì lập tức trở thành tiêu điểm, gây tiếng xấu cho kiểm lâm. Đó là “những con sâu làm rầu nồi canh”.
Những suy nghĩ đó khiến những người kiểm lâm cảm thấy tổn thương và nản. Những người đang làm việc trong lực lượng kiểm lâm là những người có tình yêu nghề vô bờ bến mới có thể trụ vững.
Bên cạnh đó, cũng cần nói thêm rằng, một cán bộ học 5 năm đại học ra trường, lương khoảng 4,2 triệu đồng/tháng, trong khi một người học xong lớp 12 vào khu công nghiệp làm công nhân lương tháng tối thiểu cũng 7 triệu, chưa kể quà tết, tiền thưởng… Mọi sự so sánh là khập khiễng, nhưng vấn đề này rõ ràng khiến người ta phải suy nghĩ. Phải làm việc xa nhà hàng chục, thậm chí hàng trăm cây số, làm việc 24/24h, mỗi tháng cán bộ kiểm lâm chỉ có 4 ngày nghỉ bù thì rõ ràng đây là sự thiệt thòi không hề nhỏ.
- Trong những năm gần đây, khối nông lâm rất khó tuyển sinh. Ví dụ trường ĐH Lâm nghiệp mỗi năm cũng chỉ tuyển được vài chục sinh viên học khoa liên quan để ra trường làm việc về vấn đề lâm sinh, lâm nghiệp. Cả nước có 11.861 cán bộ kiểm lâm, chúng tôi đã nỗ lực phấn đấu để đạt con số 15.000 cán bộ nhưng rồi số lượng cứ tụt xuống, chưa bao giờ tăng lên. Thi tuyển công chức mấy chục hồ sơ nộp vào rồi rút dần, cuối cùng cũng chỉ tuyển được 1-2 người. Thậm chí có người thấy thi tuyển dễ, thi vào xong rồi chuyển ngành sau một thời gian ngắn.
Như vậy, đầu vào - nguồn lực để thu hút không có. Vào nghề xong khó khăn, vất vả, ở rừng rú, xa nhà, thậm chí có nhiều người bị vợ bỏ… đã tác động không nhỏ đến tâm tư anh em. Nhiều người trăn trở, nản chí, dù vậy, vẫn có những người say sưa với nghề.
Theo ông, để lực lượng kiểm lâm yên tâm, gắn bó với nghề, để thu hút nhiều sinh viên theo ngành lâm nghiệp, Nhà nước cần có các chính sách như thế nào?
- Để có đội ngũ kiểm lâm kế cận, Nhà nước cần có chính sách thu hút đầu vào, đào tạo cho sinh viên tương tự như lực lượng công an, quân đội, được "bao cấp" để thu hút học sinh vào học, học sinh học khá có thể được xét tuyển hoặc thi tuyển, sau khi ra trường được bố trí việc làm ở khu vực phù hợp, cơ chế xét tuyển công chức, chế độ đãi ngộ với công chức vùng sâu, vùng xa với chế độ đặc thù… Có như thế mới giữ được lực lượng kiểm lâm gắn bó với nghề, giúp họ yên tâm công tác.
Trong nhiều năm gần đây, chính sách đối với kiểm lâm đã thay đổi, có phụ cấp thâm niên nghề, sau 5 năm, thì mỗi năm được thêm 1% nhưng mức lương cơ sở hoạt động thấp (khoảng 4-5 triệu đồng/tháng) thì tỉ lệ tăng thêm đó là chưa đáp ứng được để giữ chân anh em.
Đặc biệt, muốn bảo vệ kiểm lâm, giúp họ yên tâm làm việc, ngoài các chế độ đãi ngộ, cần thay đổi hành vi người tiêu dùng. Chính thói quen tiêu dùng coi động vật hoang dã là món ăn, dược liệu… đã khiến việc vi phạm bảo vệ rừng gia tăng. Nếu hành vi người tiêu dùng thay đổi, vấn nạn này sẽ giảm, cũng là giảm áp lực nghề nghiệp cho cán bộ kiểm lâm.
- Xin cảm ơn ông!
Đề xuất xây dựng chế độ chính sách đối với kiểm lâm
Theo Bộ NNPTNT, phát triển kiểm lâm là nhiệm vụ cấp thiết. Để đáp ứng yêu cầu này, hiện nay, bộ đang xây dựng Chiến lược phát triển kiểm lâm giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến 2050, nhằm mục tiêu đảm bảo quản lý, bảo vệ và phát triển trên 14 triệu hécta rừng, trong đó có 10 triệu hécta rừng tự nhiên, đặc biệt là quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt trên 2 triệu hécta rừng đặc dụng...; giảm số vụ vi phạm và thiệt hại về rừng qua từng năm, đến năm 2045 cơ bản không còn tình trạng phá rừng trái pháp luật; nâng cao chất lượng rừng, tỉ lệ che phủ của rừng ổn định ở mức 42%.
Trong đó, Bộ NNPTNT đề xuất xây dựng chế độ chính sách đối với kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, ngoài chính sách tiền lương theo quy định, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xây dựng chế độ, chính sách đảm bảo điều kiện để lực lượng này hoạt động hiệu quả, như: Phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp lưu động; đối với kiểm lâm địa bàn và lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định đối với người lao động trong điều kiện bình thường.
Nguồn: Báo Lao động.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn