Đường dây nóng tố giác tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (Số Hotline): 0899 546 547

Kiểm lâm Lâm Đồng 47 năm phấn đấu, trưởng thành và phát triển

Thứ sáu - 26/05/2023 22:16

Trên chặng đường 47 năm rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành và phát triển, lực lượng Kiểm lâm Lâm Đồng đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ và đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua, xứng đáng để tự hào và tiếp tục phấn đấu cho một hành trình dài còn nhiều khó khăn, thử thách phía trước.

Lực lượng kiểm lâm phối hợp với các đơn vị nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng tuần tra rừng
Lực lượng kiểm lâm phối hợp với các đơn vị nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng tuần tra rừng

• KIỆN TOÀN TỔ CHỨC

Ngày 4/9/1976, Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp ban hành Quyết định số 218/TCh thành lập lực lượng Kiểm lâm Nhân dân tỉnh Lâm Đồng trực thuộc UBND tỉnh và từ đó đánh dấu sự ra đời của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng. 47 năm qua, Kiểm lâm Lâm Đồng trải qua 4 giai đoạn. Giai đoạn từ tháng 9/1976 đến năm 1979, Chi cục Kiểm lâm dưới sự chỉ huy trực tiếp về tổ chức và nghiệp vụ của Cục Kiểm lâm Nhân dân và sự chỉ đạo của Trưởng ty Lâm nghiệp. Về tổ chức bộ máy, Chi cục Kiểm lâm gồm 6 phòng nghiệp vụ, 1 Đội Kiểm soát lưu động và 5 Hạt Kiểm lâm Nhân dân (Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc và TP Đà Lạt), với khoảng 200 cán bộ công nhân viên. 

Giai đoạn từ năm 1979 đến tháng 9/1994, Chi cục Kiểm lâm dưới sự chỉ huy trực tiếp về tổ chức và nghiệp vụ của Cục Kiểm lâm Nhân dân và sự chỉ đạo của Trưởng ty Lâm nghiệp (từ năm 1979 đến năm 1982), Sở Lâm nghiệp (từ năm 1982 đến năm 1989) và Sở Nông lâm thủy (từ năm 1989 đến năm 1994). Chi cục Kiểm lâm thành lập 2 Hạt Kiểm lâm Nhân dân, gồm: Lạc Dương và Đạ Huoai (tháng 7/1979); Sở Lâm nghiệp thành lập 3 Hạt Kiểm lâm Nhân dân, gồm: Đạ Tẻh (tháng 8/1986), Cát Tiên (tháng 2/1987) và Lâm Hà (tháng 1/1988).

Giai đoạn từ tháng 9/1994 đến năm 2006, Chi cục Kiểm lâm trực thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng; đồng thời, chịu sự quản lý, chỉ đạo về nghiệp vụ của Cục Kiểm lâm. Văn phòng Chi cục Kiểm lâm gồm 3 phòng nghiệp vụ và 1 Đội tuần tra cơ động (tháng 5/1997 đổi tên là Đội Kiểm lâm cơ động). UBND tỉnh thành lập Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm (tháng 9/1994), Hạt Phúc kiểm lâm sản Madagui (tháng 9/1994), Hạt Phúc kiểm lâm sản Gia Bắc (tháng 3/2003) và Hạt Kiểm lâm Đam Rông (tháng 12/2004). Đến tháng 9/2006, UBND tỉnh quyết định giải thể 2 hạt phúc kiểm lâm sản và thành lập Đội Kiểm lâm cơ động số 2, đồng thời, đổi tên Đội Kiểm lâm cơ động thành Đội Kiểm lâm cơ động số 1. 

Từ tháng 12/2006, UBND tỉnh quyết định chuyển Chi cục Kiểm lâm sang trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Từ tháng 7/2016, Chi cục Kiểm lâm được thành lập trên cơ sở sáp nhập và tổ chức lại Chi cục Lâm nghiệp và Chi cục Kiểm lâm theo Quyết định số 1559/QĐ-UBND ngày 14/7/2016 của UBND tỉnh về việc thành lập và quy định cơ cấu tổ chức, bộ máy của Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng. Chi cục Kiểm lâm hiện có lãnh đạo (Chi cục trưởng và không quá 2 phó Chi cục trưởng), 5 phòng chuyên môn, 2 đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng và 12 Hạt Kiểm lâm cấp huyện.

Còn Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà được thành lập theo Quyết định số 157/2005/QĐ-UBND ngày 08/9/2005 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Hạt gồm có lãnh đạo hạt (Hạt trưởng là Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà và 1 Phó Hạt trưởng), Văn phòng hạt, 10 trạm kiểm lâm và 1 đội kiểm lâm lưu động trực thuộc. 

• 47 NĂM NỖ LỰC VÀ TRƯỞNG THÀNH 

Có thể nói rằng, công việc của lực lượng kiểm lâm ở mọi giai đoạn đều gian khó, thế nhưng, lực lượng kiểm lâm ở tất cả các đơn vị công tác đã luôn nỗ lực, vượt qua khó khăn, từng bước chuẩn hóa, kiện toàn, củng cố đội ngũ. Lực lượng kiểm lâm cũng từng bước nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao, đảm bảo theo quy định, tiêu chuẩn hóa công chức; tăng cường trang thiết bị và cơ sở vật chất kỹ thuật,... công chức kiểm lâm đã tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc, nêu cao vai trò, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.

Toàn lực lượng kiểm lâm thuộc Chi cục Kiểm lâm hiện nay có mặt 254 công chức, gồm 17 cấp trưởng, 37 cấp phó và 200 công chức không giữ chức vụ lãnh đạo. Trong đó, có 217 nam (chiếm 85,4%) và 37 nữ (chiếm 14,6%); trong đó công chức nữ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về lâm nghiệp 14 người, chiếm tỷ lệ 5,51%. Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà có 61 người, gồm có 52 công chức, 4 hợp đồng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phục vụ, 5 hợp đồng thực hiện nhiệm vụ chuyên trách hỗ trợ tuần tra quản lý, bảo vệ rừng.

Chi cục Kiểm lâm và Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đều quan tâm và thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhất lượng, năng lực công tác cho công chức kiểm lâm. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng đã tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đạt được kết quả cao. Cụ thể, lực lượng kiểm lâm luôn giữ vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng; đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, doanh nghiệp và người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng; hiểu rõ giá trị, vai trò quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, sinh thái.

Hàng năm, các đơn vị đã bố trí trên 100 công chức kiểm lâm phụ trách địa bàn xã và tham gia các ban lâm nghiệp xã, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; đầu tư trang bị thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi, điều hành chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng qua hệ thống vệ tinh viễn thám; ứng dụng các công nghệ hiện đại vào kiểm soát cháy rừng, nên các vụ cháy đều được phát hiện, tổ chức chữa cháy kịp thời, hạn chế thiệt hại tài nguyên rừng.

Là lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ thừa hành pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, Kiểm lâm Lâm Đồng đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời nên tình hình vi phạm pháp luật về lâm nghiệp cơ bản đã được kiểm soát, số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại giảm dần theo từng năm. Nếu năm 2011, có đến 2.185 vụ vi phạm; diện tích thiệt hại do phá rừng là 225,19 ha, thì năm 2022 vừa qua, số vụ vi phạm đã giảm đáng kể, còn 266 vụ.

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm và các Hạt Kiểm lâm đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ liên quan công tác trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác, trồng lại rừng trên diện tích rừng bị phá, lấn chiếm, góp phần khắc phục dần tình trạng suy thoái rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,44%. Giai đoạn 2013 - 2022, đã trồng được 18.584,64 ha rừng. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị, cá nhân triển khai, thực hiện công tác trồng cây xanh; tổng số cây xanh các loại đã thực hiện trồng từ năm 2011 đến nay trên 17,2 triệu cây.

Có thể khẳng định rằng, qua 47 năm hoạt động, lực lượng Kiểm lâm Lâm Đồng đã ngày càng trưởng thành, đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Từ năm 1999 đến nay, đã có 50 tập thể và 27 cá nhân được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen và nhiều tập thể đạt danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc”, “Tập thể Lao động giỏi”, nhiều cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến”.

Nguồn: Báo Lâm Đồng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điểm Cháy Từ Vệ Tinh
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Dự Án Giám Sát TMR
Dự Án Giám Sát TNR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây