Theo đó, đoàn công tác tham gia gồm lãnh đạo Sở NN-PTNT làm trưởng đoàn và đại diện lãnh đạo, bộ phận tham mưu của các sở, ngành liên quan do Sở NN-PTNT lựa chọn và mời tham gia.
Sau khi kết thúc chuyến đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan báo cáo, tham mưu đề xuất UBND tỉnh Bình Thuận trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành nghị quyết theo quy định.
Biết được chủ trương này, các chủ rừng, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đều phấn khởi, tỏ vẻ lạc quan hơn và hy vọng sắp tới sẽ cải thiện đời sống, yên tâm giữ rừng.
Như Báo Nông nghiệp Việt Nam mới có bài viết: “Làn sóng nghỉ việc của lực lượng bảo vệ rừng chưa chững lại” phản ánh thực tế vào những ngày giữa tháng 5, khi trao đổi với các Ban Quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn các huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Bắc Bình…các chủ rừng vẫn đau đầu, trăn trở không biết bao giờ mới trấn an làn sóng nghỉ việc của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Thực trạng trên đã xảy ra vào năm 2022, bởi lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng nhận thấy trách nhiệm công việc nặng nề, thường xuyên làm việc 24 giờ nhưng thu nhập lại quá thấp, không đảm bảo cuộc sống.
Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, tình trạng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng xin nghỉ và nộp đơn xin nghỉ ngày càng nhiều, ngành nông nghiệp Bình Thuận cũng đã nắm bắt. Đây cũng là tình trạng chung cho hầu hết các chủ rừng Nhà nước, nhất là các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Tại Bình Thuận chỉ tính từ năm 2022 đến nay, các đơn vị chủ rừng đã giải quyết cho nghỉ việc 61 trường hợp (4 tháng năm 2023 là 14 người) và 85 trường hợp có đơn xin nghỉ việc nhưng chưa giải quyết bởi đang vận động, thuyết phục để tiếp tục làm việc, thực hiện chức trách bảo vệ rừng. Trong khi đó, công tác tuyển dụng người mới cũng hết sức khó khăn để bù vào vị trí nhân viên bảo vệ rừng nghỉ việc, bình quân mỗi đơn vị chủ rừng thiếu từ 5 đến 8 người, tương ứng thiếu từ 10 đến 20% chỉ tiêu định biên được giao nên rất khó khăn trong công tác quản lý rừng trong tình hình hiện nay.
Trước tình hình khó khăn, vất vả của lực lượng bảo vệ rừng, một số tỉnh cũng đã ban hành nghị quyết để hỗ trợ kịp thời. Chẳng hạn như được biết, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 03 ngày 20/4/2023 về quy định mức hỗ trợ đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh này giai đoạn 2023 - 2027.
Do đó, để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn, Sở NN-PTNT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh có chủ trương cho phép đoàn công tác của tỉnh đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm việc xây dựng nghị quyết này.
Về lâu dài, để hỗ trợ giúp cho lực lượng bảo vệ rừng an tâm công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Sở NN-PTNT Bình Thuận kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm đề xuất chính sách phù hợp cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; vì đây là lực lượng trực tiếp đối đầu với nguy hiểm, gian khổ, khó khăn để bảo vệ rừng tận gốc.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn