Đường dây nóng tố giác tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (Số Hotline): 0899 546 547

Quyết liệt trong giải quyết các điểm nóng phá rừng

Thứ ba - 14/09/2021 10:31
 Thời gian gần đây, nhiều vụ phá rừng có tính chất nghiêm trọng liên tiếp xảy ra, các đối tượng lâm tặc lợi dụng tình hình dịch COVID-19 bùng phát mạnh để xâm hại đến rừng. Trước tình hình đó, Lâm Đồng đã có những chỉ đạo xử lý triệt để nhằm hạn chế tình trạng này.
1
Nhiều vụ phá rừng có tính chất phức tạp bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý
 Trong 8 tháng đầu năm 2021, qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng kiểm lâm, chủ rừng, UBND các xã và các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác kiểm tra, truy quét chống chặt phá rừng đã phát hiện 380 vụ vi phạm lâm luật, diện tích thiệt hại do phá rừng 25,57 ha, khối lượng lâm sản thiệt hại 1.340 m3. Tuy số vụ vi phạm, diện tích và lâm sản giảm so với cùng kỳ năm 2020, nhưng nhiều vụ vi phạm có tính chất nổi cộm lại gia tăng.
 
Mặc dù công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) đã được các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhưng trên địa bàn còn xảy ra một số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp có tính chất phức tạp tại huyện Đam Rông, Đức Trọng, Lâm Hà… Điển hình như: vụ khai thác rừng trái pháp luật xảy ra tại lô b, khoảnh 11, Tiểu khu 237, xã Đạ K’Nàng, các đối tượng đã cưa hạ 27 cây bạch tùng, khối lượng lâm sản thiệt hại gần 64 m3 gỗ tròn; vụ tàng trữ lâm sản trái pháp luật ở thôn Ma Am, xã Đà Loan, Đức Trọng, đối tượng là Trần Văn Lệ đã cất giấu trên 39 m3 gỗ cà chí, dầu, gụ lau…; hay vụ gần đây nhất là vụ phá 11 cây gỗ dổi và hoa lý, huỳnh đàn tại Tiểu khu 224, xã Phú sơn, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý, gây thiệt hại trên 37 m3… 
 
Đặc biệt, tình trạng phá rừng, khai thác rừng, mua bán lâm sản trái phép xảy ra tương đối phức tạp tại huyện Đam Rông, một số địa bàn xã như: Phi Liêng, Đạ K’Nàng, Liêng Srônh và Đạ Long, tình trạng phá rừng trồng, ken cây để lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp rất khó ngăn chặn, xử lý, có nhiều vị trí rừng trồng bị nhổ, chặt phá nhiều lần. Các đối tượng lâm tặc ngang nhiên phá rừng và rất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống đối người thi hành công vụ. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm, đơn vị chủ rừng mỏng, giao thông đi lại khu vực này xa xôi, hẻo lánh nên rất khó khăn trong việc tuần tra, xử lý vi phạm. 
 
Để giảm thiểu tình trạng này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và triển khai quyết liệt, thực hiện nhiều biện pháp nhằm đẩy lùi, ngăn chặn các hành vi phá rừng. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật một cách có hiệu quả; tiếp tục quán triệt tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 30, ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030…
 
Ông Lê Đình Việt, Chi Cục phó Chi Cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ phá rừng có tính chất nổi cộm; do đó, để chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ, ngăn chặn, giải quyết căn bản các điểm nóng về phá rừng trái pháp luật, ngay từ đầu năm, các ngành chức năng tỉnh khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp trọng tâm.
 
Qua đó, UBND các huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của cấp trên trong công tác QLBVR, PCCCR, tuần tra, kiểm tra, truy quét, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép,… Thường xuyên tổ chức kiểm tra rừng, nhất là tại các khu vực nổi cộm, chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ vi phạm lâm luật. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác lâm sản trái pháp luật. 
 
Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng trên địa bàn; xác định, truy quét các “đầu nậu”. Bên cạnh đó, đơn vị còn nâng cao năng lực cho lực lượng nòng cốt trong QLBVR, nhằm phát hiện sớm, kịp thời các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để xử lý vi phạm dứt điểm, nghiêm minh... 
 
“Trong thời gian tới, tỉnh sẽ quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng; tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế và triển khai thực hiện những giải pháp thiết thực, quyết liệt để thực hiện tốt công tác QLBVR trên địa bàn, không để xảy ra các vụ vi phạm. Tỉnh Lâm Đồng phấn đấu trong năm 2021, giảm 10% về số vụ, giảm 15% diện tích rừng và khối lượng lâm sản thiệt hại so với năm 2020; giải tỏa và trồng lại rừng trên toàn bộ diện tích lấn chiếm mới trong năm. Số vụ không phát hiện đối tượng vi phạm giảm dưới 30%. Duy trì độ che phủ rừng đạt 55% trở lên”, ông Việt cho biết.
 
Nguồn: Báo Lâm Đồng 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điểm Cháy Từ Vệ Tinh
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Dự Án Giám Sát TMR
Dự Án Giám Sát TNR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây