Đường dây nóng tố giác tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (Số Hotline): 0899 546 547

Bảo vệ rừng ở Đa Quyn

Thứ ba - 05/09/2023 20:49

Là địa bàn giáp ranh, cùng trên 13.000 ha đất có rừng, ý thức và sự chủ động của người dân được xác định là yếu tố tiên quyết trong việc giữ rừng tại xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng.

Các thành viên tổ nhận khoán bảo vệ rừng thường xuyên phối hợp với Ban QLRPH Tà Năng đi tuần rừng
Các thành viên tổ nhận khoán bảo vệ rừng thường xuyên phối hợp với Ban QLRPH Tà Năng đi tuần rừng

Xã Đa Quyn có trên 86% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Địa bàn xã rộng, với diện tích tự nhiên trên 17.000 ha. Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động là biện pháp quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Đảng ủy, UBND xã luôn quan tâm chỉ đạo, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp, cũng như các chủ trương, chính sách, quy định mới trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Qua đó, nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người dân dần được nâng lên, hiểu được ý nghĩa, giá trị, hiệu quả của việc bảo vệ rừng, trồng rừng. Diện tích rừng được bảo vệ tốt, tình trạng phá rừng làm nương rẫy, lấn chiếm rừng giảm dần và được ngăn chặn kịp thời.

Hàng năm, Đảng ủy, UBND xã Đa Quyn ban hành các văn bản về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; về phòng cháy, chữa cháy rừng; trồng rừng, quản lý lâm sản,... nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước của người đứng đầu cũng như phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, Ban Lâm nghiệp xã Đa Quyn với 17 thành viên duy trì họp giao ban hàng tháng để đánh giá tình hình hoạt động; xây dựng kế hoạch phối hợp với các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra rừng theo quy định. Đồng thời, tham gia giám sát chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại địa phương do Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) Tà Năng thực hiện chi trả.

Thực hiện chương trình giao khoán dịch vụ môi trường rừng, năm 2023, xã Đa Quyn có 8.798,82 ha rừng được giao khoán bảo vệ. Trong đó có 6.895,32 ha/281 cá nhân (263 hộ dân tộc thiểu số và 20 hộ người Kinh); 1.903,5 ha/2 tổ chức quản lý (Công an huyện Đức Trọng và BCHQS tỉnh). Theo ông Nguyễn Văn Dương, các tổ đã phát huy tốt trách nhiệm của mình, đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ rừng của địa phương.

Tại thôn Ma Bó, hiện có 4 tổ nhận khoán với 62 hộ, trong đó hầu hết là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo các điều kiện giao nhận khoán bảo vệ rừng. Đều đặn hàng ngày đều có mỗi nhóm từ 2 - 3 người đi tuần tra, đặc biệt là vào mùa khô khi nguy cơ xảy ra cháy rừng cao hơn bình thường, đồng thời, các đối tượng cũng lợi dụng điều kiện đường đi thuận lợi để tăng cường phá rừng. Đối với các khu vực có nguy cơ cháy rừng, phải tổ chức thường trực 24/24 giờ trong ngày. Ông Ka Seng - Trưởng thôn Ma Bó chia sẻ: “Sau khi chia lịch, bà con tham gia tuần rừng rất nhiệt tình và tâm huyết, kịp thời phát hiện các vụ việc để thông báo với chính quyền địa phương xử lý. Bên cạnh đó, mỗi hộ nhận khoán bảo vệ rừng nhận được số tiền hơn 3 triệu đồng mỗi quý, góp phần cải thiện đời sống của người dân tại địa phương”.

Trong khi đó, tại thôn Tân Hạ, hiện có 2 tổ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng với 31 thành viên. Bên cạnh người dân của thôn, thành viên của 2 tổ còn có người dân của các thôn lân cận. Bà Cil K’Hạnh - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tân Hạ cho biết: “Ban QLRPH Tà Năng đã xây dựng Quy chế làm việc và ban hành cho tất cả các thành viên trong tổ. Mỗi tháng, Ban Quản lý rừng có sự phối hợp chặt chẽ với Ban Nhân dân thôn tổ chức các cuộc họp để quán triệt, triển khai nhiệm vụ, tuyên dương những thành viên thực hiện tốt. Theo quy chế, thành viên nào vi phạm 3 lần sẽ bị đưa ra khỏi tổ. Chính vì vậy, trong thời gian qua, các tổ đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình”.

Bên cạnh đó, việc bảo vệ và phát triển rừng còn được Ban Nhân dân 6 thôn trong xã xây dựng và đưa vào hương ước, quy ước thôn. Theo đánh giá của UBND xã, nhìn chung, hiện nay, 6 hương ước, quy ước của 6 thôn vẫn còn phù hợp, thường xuyên được các thôn hướng dẫn Nhân dân thực hiện.

Bên cạnh công tác bảo vệ rừng, việc trồng rừng, trồng cây phân tán, trồng cây đa mục đích cũng được xã Đa Quyn chú trọng thực hiện. Năm 2022, toàn xã đã triển khai trồng được 30.260 cây. Năm 2023, UBND xã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cho các cơ quan, đơn vị, các thôn, vận động các doanh nghiệp... với số lượng 54.665 cây. 

Từ ý thức của người dân được nâng cao cùng sự chủ động vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ các vụ vi phạm lấn chiếm đất rừng và khai thác lâm sản trên địa bàn xã Đa Quyn đã giảm dần qua các năm. Ban Thường vụ Đảng ủy xã xây dựng và duy trì lịch tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng hàng tuần để nắm bắt thực trạng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Năm 2022, đã kiểm tra 42 buổi, qua công tác tuần tra, kiểm tra không phát hiện các trường hợp vi phạm liên quan đến lâm nghiệp.

Theo Chủ tịch UBND xã Đa Quyn, xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục, trong thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục xây dựng kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Tăng cường, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để kiểm tra thường xuyên, đột xuất, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Đồng thời, xử lý nghiêm cán bộ cấu kết, tiếp tay, bao che cho đối tượng vi phạm theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy.

Nguồn: Báo Lâm Đồng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điểm Cháy Từ Vệ Tinh
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Dự Án Giám Sát TMR
Dự Án Giám Sát TNR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây