3 cá thể tê tê Java (tên khoa học Manis javanica) đạt điều kiện sức khỏe và dịch tễ để tái thả trong đợt này đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, do đơn vị kiểm lâm các tỉnh bàn giao lại, gồm có: 1 cá thể từ xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Đồng Nai, 1 cá thể từ Đức Trọng, Lâm Đồng, và 1 cá thể từ Phan Thiết.
Tái thả tê tê bao giờ cũng phải chọn xuất phát lúc trời tối, để phù hợp với tập tính của loài này. Khi đó, mở nắp lồng là tê tê có thể đi ngay và có thời gian cả một đêm để đánh giá tình hình, làm quen sinh cảnh xung quanh, tránh cho chúng khỏi mất sức, mất nước (so với việc thả vào ban ngày, thời tiết nắng nóng) và bị sốc trước môi trường mới.
Cơn mưa nặng hạt dai dẳng không làm giảm lòng nhiệt huyết hay làm vơi bớt niềm vui của đội ngũ cán bộ cứu hộ động vật hoang dã và kiểm lâm của VQG Cát Tiên. Được nhìn thấy thêm một cá thể tê tê khỏe mạnh trở về “ngôi nhà” thực sự của chúng dưới những tán rừng nghĩa là góp thêm động lực cho anh em kiểm lâm – cứu hộ ĐVHD trong công việc, đồng thời cũng làm tăng thêm một phần hy vọng cho việc bảo tồn – phục hồi loài tê tê vốn được mệnh danh là “loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất thế giới”.
Hàng năm, VQG Cát Tiên tiếp nhận cứu hộ trên 200 đến khoảng 300 cá thể động vật hoang dã từ nhiều nguồn: người dân chủ động giao nộp, kiểm lâm Đồng Nai và các tỉnh bạn bàn giao qua những đợt thu hồi từ nguồn săn bắt, vận chuyển và mua bán trái pháp luật. Ngăn chặn săn bắt, mua bán động vật hoang dã trái pháp luật chỉ là biện pháp phần ngọn. Giáo dục môi trường và tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của các loài động – thực vật hoang dã then chốt, có tính biểu tượng, có giá trị đa dạng sinh học, đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, mới chính là biện pháp nhân văn có tính bền vững, mang lại hiệu quả lâu dài.
Nguồn: https://cattiennationalpark.com.vn/
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn