Theo TS Hà Công Tuấn, để phát triển kinh tế rừng bền vững cần chuyển dịch từ kinh doanh gỗ sang kinh doanh đa giá trị và tạo sinh kế cho người dân.
Sáng 30/8, Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Quản trị tài nguyên vùng cao tổ chức Hội thảo Giao đất, giao rừng, quản lý rừng tự nhiên trong quá trình thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư tại Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên).
Hội thảo nhằm thực hiện Kế hoạch tham vấn về giao đất giao rừng, quản lý rừng tự nhiên và đề xuất giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả đất rừng và rừng trong quá trình thực hiện Chỉ thị 13 về tăng cường sự lãnh đạp của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Theo TS Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, sau hơn 6 năm thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư, an ninh rừng trên địa bàn cả nước đã có sự chuyển biến rõ rệt theo hướng tích cực, nguồn lực phát triển rừng được gia tăng, số vụ vi phạm pháp luật giảm đáng kể.
“Chỉ thị 13 giúp hoạt động quản lý rừng tự nhiên chặt chẽ và đồng bộ hơn, tuy nhiên, chặt chẽ không có nghĩa cấm mọi hoạt động trong rừng. Để phát triển kinh tế rừng bền vững, cần chuyển dịch từ kinh doanh gỗ sang kinh doanh đa giá trị, giúp tăng thu nhập và tạo sinh kế cho người dân”, TS Hà Công Tuấn cho hay.
Hiện nay, các nước không chỉ có nhiều quy định chặt chẽ hơn về quản lý và bảo vệ rừng mà còn về truy xuất nguồn gốc từ những nông sản được sản xuất từ rừng, đơn cử là quy định sản xuất và cung ứng nông sản không gây mất rừng của Liên minh Châu Âu.
Để Chị thị 13 đi sâu, đi sát vào cuộc sống của người dân, TS Hà Công Tuấn cho rằng, phải đánh giá thường xuyên về mức độ hiệu quả của các chính sách. Qua đó, có các phương pháp điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn.
Về các giải pháp tăng cường quản lý rừng tự nhiên, thạc sĩ Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam đề xuất giữ ổn định độ che phủ rừng 42%, đảm bảo sự tham gia rộng rãi của các tổ chức kinh tế và người dân, tạo việc làm cũng như nâng cao thu nhập của người trồng rừng, bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030, đảm bảo sử dụng đất lâm nghiệp hiệu quả, đúng mục đích; hoàn thành việc điều tra, đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được giao đất, cho thuê đất;...
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ cao, chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý, điều tra, đánh giá tài nguyên rừng.
Quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, rừng tự nhiên; bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường; thực hiện các biện pháp lâm sinh, xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, nuôi dưỡng và lầm giàu rừng tự nhiên. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, tổ chức thực thi pháp luật có hiệu quả.
Ngày 17/8, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 61-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Kết luận khẳng định, sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Cùng với đó, cơ chế, chính sách, pháp luật được tiếp tục hoàn thiện. Công tác quản lý nhà nước và tổ chức bộ máy về lâm nghiệp được quan tâm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được tăng cường.
Nguồn: Báo Nông nghiệp.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn