Đường dây nóng tố giác tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (Số Hotline): 0899 546 547

Cái giá của những phút “đứng tim”

Thứ bảy - 10/06/2023 21:54
Như chủ trương của Ban biên tập, cũng là tâm huyết của nhóm phóng viên điều tra chúng tôi: Mỗi bài báo, sau quá trình “lật mặt” sự thật, thì đem lại được điều gì hữu ích cho cộng đồng? Các tuyến bài bảo vệ môi trường - thiên nhiên hoang dã của Dân Việt gần đây đã quyết liệt nỗ lực phục vụ cho mong mỏi đó.
 

Nhưng để đưa lại những kết quả ban đầu như vậy, phóng viên Dân Việt đã có rất nhiều giờ phút đứng tim xâm nhập vào các hang ổ buôn bán, giết hại thú rừng quý hiếm, các đường dây buôn hổ xuyên quốc gia, các "địa ngục" tàn sát chim trời lớn nhất Việt Nam.

 

Để tiếp cận với các ông bà trùm buôn hổ xuyên quốc gia, chúng tôi đã phải "ủ mưu" nhiều ngày, với hồ sơ buôn bán trên mạng rất hoành tráng, theo dõi mạng xã hội của chúng và tìm bằng được địa chỉ tiếp cận. Khi đã "chui lọt" vào đường dây, chúng tôi sang Nam Phi, lọt vào khu bảo tồn tư nhân, nơi người Việt cho hổ, sư tử, tê giác sinh sản phục vụ săn bắn rồi tuồn lậu cao hổ, cao sư tử, sừng tê về Việt Nam.

Tất nhiên, nhiều "bí kíp nghề nghiệp" thì không thể kể ra đây được, vì khi đăng bài, chúng tôi cũng giấu tên thật của mình. Chỉ biết rằng, các ông bà trùm bao giờ cũng "xét duyệt" khách hàng hết sức tinh vi. Nhìn mặt, xem xe ô tô, xin số điện thoại và… gọi thử. Rồi lập tức kết bạn zalo, facebook, lục tung hồ sơ của đối tác lên để ngâm cứu. Đi dự tiệc thì xin anh cầm ví và điện thoại theo, bỏ áo khoác và ba lô ở phòng ngoài cho gọn, suốt mấy tiếng hai bên "đấu trí", ở ngoài đám lâu la lục tung tất tần tật. Nếu tiết lộ số điện thoại hay tài khoản mạng xã hội thật, thì khi đăng bài chắc chắn bạn sẽ bị truy lùng dọa dẫm. Nếu chúng phát hiện ra bạn là nhà báo thì nhẹ nhất là… tuyệt giao, và đề tài coi như xôi hỏng bỏng không. Vì thế, ngoài số điện thoại mang tên người khác và tài khoản mạng xã hội luôn có "nick ảo", chúng tôi còn phải rèn luyện phản ứng tốt với cái tên mới, cardvisit mới mà mình đang nhập vai.

 
Cái giá của những phút “đứng tim” - Ảnh 1.

Được góp sức nhỏ bé của mình vào chấn chỉnh những bất cập trong quản lý, ngăn chặn dấu hiệu bất minh của cán bộ cơ sở, giải cứu các loài hoang dã quý hiếm được cả thế giới bảo vệ, nâng cao nhận thức của bà con về lối sống tử tế với môi trường… - đó là tâm nguyện của chúng tôi.

Vậy mà có lần ở An Giang, khi vào một trang trại bí hiểm ven biên giới để lật mặt trò mở trang trại "rửa" nguồn gốc động vật nhập lậu đầy hiểm họa truyền dịch bệnh vào Việt Nam, một người trong nhóm phóng viên chúng tôi đã bị lộ vì… "bà chủ trang trại" mĩ miều tự dưng thảng thốt gọi tên giả của cậu ấy. Gọi mà cậu ấy không có phản ứng gì. Của đáng tội, cái tên cha mẹ đặt dùng đã nửa đời người, giờ mang tên khác, họ gọi giật giọng "anh Tâm ơi" thì tôi là Đỗ Doãn Hoàng làm sao mà "nảy số" kịp. Khi nghi ngờ, lập tức bà chủ phát lệnh "check" (kiểm tra) đủ thứ. Dò biển số xe, hỏi kĩ về giá cả từng mặt hàng rùa, rắn, khỉ hoang; lục vấn về các đầu mối giao dịch bán hàng lậu từ Campuchia sang Trung Quốc.

Một cuộc "xuất quân" rầm rộ, khám cả túi, balo của khách rất trắng trợn. Rất may, các thuật ngữ, các đầu mối giới thiệu cầu nối chúng tôi chuẩn bị đủ. Đặc biệt, trong xe, trong người không cài một thiết bị quay lén nào.

Rồi một bà trùm buôn hổ khét tiếng thì nhất nhất phải lái xe đưa "khách sộp" (phóng viên) về tận khách sạn để thăm dò, điều tra ngược. Hôm đó, nếu chủ quan khinh địch, nếu chúng tôi bịa ra cái khách sạn và số phòng mình ở, lập tức sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, chưa kể... ăn đòn.

Lần nào cũng vậy, phóng viên Dân Việt luôn phải nín thở trước nguy cơ bị "bắt bài". Và dĩ nhiên, sau mỗi lần như vậy, đầy kinh nghiệm "xương máu" được rút ra.

Chửi bới, đe dọa, thả rắn độc uy hiếp

Cái giá của những phút “đứng tim” - Ảnh 3.
Cái giá của những phút “đứng tim” - Ảnh 4.

Phóng viên Dân Việt đã chuyển thông tin tới Bộ NNPTNT, đề nghị mở cuộc tổng tấn công vào "địa ngục chim trời" ở huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Trước đó, sau mấy năm dai dẳng điều tra từ nhiều tỉnh, sang bên kia biên giới Campuchia; tiếp cận "bám rễ" nhiều ông bà chủ các ki-ốt bán hàng, thậm chí mở rộng đến nhà các ông chủ đường dây ở tận tỉnh Bến Tre với hàng tấn chim hoang dã trong nhà, chúng tôi bắt đầu tung ra những bài viết đầu tiên.

Tiếp nhận phản ánh của Báo Dân Việt, Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Hà Công Tuấn có công văn, Đội trưởng Đặc nhiệm Kiểm lâm Việt Nam vào tận nơi bí mật điều tra rồi tập kết bắt giữ. Tuy nhiên, tình huống đúng là thót tim. Khi phát hiện nhóm người đã hóa trang, nhập vai người mua hàng, thân thiết bấy lâu nay là nhà báo, các đối tượng bắt đầu dọa dẫm, chửi bới. Chúng tôi phải báo công an sở tại ra bảo vệ hiện trường. Đáng sợ hơn, bao nhiêu hoang thú, đặc biệt là rắn độc đủ loại, họ thả lung tung, rắn trườn loằn ngoằn khắp nơi. Việc đó nhằm mục đích phi tang, để động vật rời xa ông bà chủ, khiến cơ quan chức năng không tài nào xử lý được. Cũng là cách đe dọa để "cánh Hà Nội" hết đường triệt phá "Địa ngục chim trời".

Tuy nhiên, sau các giây phút sợ hãi, buộc lòng lên ô tô đi xa khỏi hiện trường cho các "ông bà chủ" bớt cơn cuồng nộ, chúng tôi đã hạ quyết tâm quay trở lại. Ai chống lại có công an và kiểm lâm vào cuộc. Dấu hiệu bảo kê thì phân tích kĩ. Truy vấn trách nhiệm của các bên. Tỉnh không xử lý thì mời trung ương vào. Kiểm lâm từ chối trách nhiệm thì Chủ tịch UBND, rồi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An lên tiếng với báo chí, ra văn chỉ đạo các bên phải "xuống tay". Nhiều tổ chức quốc tế cùng lên tiếng trên Dân Việt. Với một kế hoạch bài kín kẽ, truy đuổi vấn đề đến cùng, các vụ việc trên đều có chung kết cục "có hậu". 

Nguồn: Báo Dân Việt.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điểm Cháy Từ Vệ Tinh
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Dự Án Giám Sát TMR
Dự Án Giám Sát TNR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây