Dự án xây dựng đường bộ Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng xác định là dự án trọng điểm giai đoạn 2020 - 2025. Vì vậy mà việc tuyến cao tốc này được khởi công, xây dựng sớm là điều mong đợi của không chỉ Đảng bộ, chính quyền mà của toàn thể Nhân dân Lâm Đồng.
Một đoạn cao tốc Liên Khương - Prenn |
Việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để khởi công dự án đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất nỗ lực và được xếp vào nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của tỉnh trong năm 2023 nhưng hiện nay một số thủ tục, đặc biệt là thủ tục liên quan đến rừng đang có nguy cơ phải làm lại, dù diện tích rừng so với kế hoạch phê duyệt ban đầu giảm khá nhiều.
Khó khăn lớn nhất còn tồn tại cho đến thời điểm này hầu hết đều liên quan đến việc kiểm kê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, đối với đoạn đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 10/11/2022 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức PPP; tuy nhiên, do đoạn tuyến trải dài trên địa phận 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai nên việc thiết lập, phê duyệt các hồ sơ kiểm kê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng theo phân cấp, phân quyền đều thuộc UBND cấp tỉnh vì vậy mà có rất nhiều khó khăn trong công tác tổng hợp và đồng bộ các hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng rừng.
Cụ thể như đối với diện tích trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do có những đoạn tuyến phải điều chỉnh cục bộ để phù hợp với địa hình nên phải thiết lập lại hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng rừng trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Song, qua kết quả rà soát điều chỉnh sơ bộ cho thấy, mặc dù có điều chỉnh thay đổi địa điểm, vị trí cục bộ hướng tuyến nhưng diện tích rừng tác động giảm so với chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, hiện nay, theo kết quả quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thì phần lớn diện tích đất thực hiện dự án đều nằm trên đất lâm nghiệp, đối tượng rừng sản xuất, mà việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng để phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia phải thực hiện theo nội dung chỉ đạo tại Thông báo số 259/TB-VPCP ngày 4/7/2023 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp về dự thảo nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội; mà để thực hiện các nội dung trên thì mất rất nhiều thời gian, từ đó sẽ ảnh hưởng đến thời gian hoàn chỉnh hồ sơ xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.
Bên cạnh đó, đối với đoạn đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai, với phần diện tích đất rừng trên địa phận tỉnh Đồng Nai, theo báo cáo của đại diện liên danh nhà đầu tư đề xuất dự án thì việc chấp nhận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế gặp nhiều khó khăn; bên cạnh đó là các khó khăn về thủ tục liên quan đến việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư, đầu tư công.
Tương tự như Dự án đường bộ Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Dự án đường bộ Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương cũng gặp phải các khó khăn đối với việc điều chỉnh diện tích đất lâm nghiệp ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng để thực hiện dự án đầu tư và các thủ tục liên quan đến việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư, đầu tư công.
Với những vấn đề này, rất cần một cơ chế đặc thù để tháo gỡ những vướng mắc nhằm vừa đảm bảo đúng quy định của Nhà nước, cũng là để tỉnh sớm hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục tiến tới khởi công tuyến cao tốc này.
Theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, muốn tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính này, UBND tỉnh cần báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế đặc thù cho phép UBND tỉnh Lâm Đồng không phải lập lại hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng rừng do việc điều chỉnh cục bộ hướng tuyến bởi vì so với hướng tuyến ban đầu, mặc dù có thay đổi vị trí, địa điểm do phải điều chỉnh cục bộ hướng tuyến cho phù hợp hơn nhưng diện tích rừng bị ảnh hưởng sau khi điều chỉnh hướng tuyến lại giảm so với chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất. Ngoài ra, tỉnh cũng cần kiến nghị Thủ tướng có ý kiến với UBND tỉnh Đồng Nai về việc khẩn trương tiếp nhận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế của đại diện liên danh nhà đầu tư làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo theo đúng quy định.
Nguồn: Báo Lâm Đồng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn