Ngày 18/8/2023, được sự ủy quyền của Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì tổ chức Hội thảo về công tác “phát hiện và xử lý cá hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã tại tỉnh Lâm Đồng” tham dự hội thảo có các đơn vị cơ quan trung ương, tổ chức quốc tế như: Ban quản lý dự án VFBC trung ương; Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF – Việt Nam)... về phía đại diện các cơ quan tại tỉnh Lâm Đồng có Sở Nông nghiệp và PTNT; Sở Tư pháp; Sở Tài nguyên và Môi trường; Phòng Cảnh sát môi trường; Cục Quản lý thị trường... đại diện lãnh đạo các địa phương có UBND các huyện/ thành phố Đà Lạt, Lạc Dương...và các đơn vị trực thuộc như: Chi cục chăn nuôi, thú y; các hạt Kiểm lâm... và Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà tham gia và có bài phát biểu, chia sẻ, trình bày các nội dung liên quan đến tình hình động vật hoang dã nói chung và tình hình vi phạm, công tác cứu hộ về động vật rừng nói riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Tỉnh Lâm Đồng có trên 537 ha đất lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng chiếm 54,44%, nơi đây được đánh giá có tính đa dạng sinh học cao, phong phú nguồn gen, hệ sinh thái đa dạng và phong phú các loại động thực vật hoang dã, các hệ sinh thái trên cạn đã xác định được 3.526 loài thực vật rừng và 393 loài nấm, trong đó có 131 loài được nêu trong sách đỏ Việt Nam (SĐVN); 45 loài được liệt kê trong Danh mục đỏ IUCN và 43 loài có tên trong các Nghị định của Chính phủ: số 160/2013/NĐ-CP, số 06/2019/NĐ-CP, số 84/2021/NĐ-CP; ghi nhận có sự hiện diện của 85 loài thú; 686 loài côn trùng; 301 loài chim; 102 loài bò sát, lưỡng cư; các hệ sinh thái đất ngập nước đã xác định được 111 loài cá, trong đó có 5 loài bị đe dọa cấp quốc gia nêu trong sách đỏ Việt Nam; trong những năm qua tỉnh Lâm Đông đã triển khai nhiều văn bản cho ngành lâm nghiệp và các địa phương thực hiện các biện pháp quản lý rừng và bảo vệ nguồn động thực vật quý hiếm, góp phần nâng cao giá trị đa dạng sinh học. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm thời gian qua, lực lượng Kiểm lâm, quản lý thị trường, cảnh sát môi trường, tổ chức WWF, ENV,… đã có nhiều biện pháp mạnh mẽ đấu tranh với các đối tượng vi phạm pháp luật về động vật hoang dã; tuy nhiên thì công tác này trên địa bàn vẫn còn nhiều tồn tại như: từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2023 xảy ra 44 vụ vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, tang vật là 418 cá thể/618 kg. Đã xử lý hành chính 39 vụ và chuyển xử lý hình sự 05 vụ (05 vụ xảy ra tại các địa phương: Đạ Huoai, Bảo Lộc, Di Linh và Đam Rông); tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn sự phức tạp về hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp nói chung và hành vi vi phạm về động vật hoang dã nói riêng
Để nâng cao chất lượng công tác phát hiện và xử lý hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã tại tỉnh Lâm Đồng; các đại biểu tham dự hội thảo đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, chia sẻ, kết nối về những nội dung, vấn đề liên quan đến khảo sát về động vật hoang đã và các mối đe dọa đến Động vật hoang dã, tình hình tiếp nhận và xư lý thông tin về hành vi vi phạm pháp luật qua đường dây nóng và kinh nghiệm, kinh nghiệm về kết quả xử lý vi phạm về động vật hoang dã của cảnh sát môi trường; quy chế phối hợp của các đơn vị trong việc phát hiện các hành vi săn, bắt, bẩy, vận chuyển, mua bán, tàng trữ về động vật hoang dã; các kiến nghị đề xuất
Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho biết: “Trong năm 2022, Trung tâm đã tiếp nhận 1.153 vụ việc, trong đó tỷ lệ xử lý thành công là 32,7%; tỷ lệ thành công liên quan đến ĐVHD còn sống là 34,8%; tỷ lệ phản hồi đạt 97,7%. Đây là những con số cho thấy bước tiến đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả công tác xử lý, với tỷ lệ thành công nói chung”.
Ông Lê Văn Hương - Giám đốc Ban Quản lý dự án VFBC tỉnh Lâm Đồng, Giám đốc Vườn Quốc gia Biodup - Núi Bà cho biết: “Trong quá trình phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng, liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, Ban Quản lý dự án đã triển khai 54 hoạt động. Trong đó, đã tạo ra một chuỗi hoạt động liên quan đến công tác truyền thông, giáo dục môi trường, công tác chuyển đổi số và công tác khôi phục các hệ sinh thái rừng dễ bị tổn thương và bảo vệ động vật hoang dã”.
Đại diện các sở, ban, ngành, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cũng nêu những kinh nghiệm và đóng góp ý kiến nhằm xây dựng các đề án, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tăng cường xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu bế mạc tại hội thảo, ông Vũ Đình Cường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để xây dựng kế hoạch, tiếp tục các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã; đồng thời, triển khai kiểm tra khảo sát tại các tụ điểm, khu vực kinh doanh du lịch có dấu hiệu vi phạm về kinh doanh động vật hoang dã; để qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý, nhằm bảo vệ tốt động vật hoang dã trên địa bàn.
Một số quang cảnh tại Hội thảo
Nguồn: Phòng Thanh tra pháp chế