Từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ra đời, hàng nghìn người làm công tác giữ rừng đã cải thiện sinh kế. Đây là một trong những chính sách nhân văn.
Khi những đám mây xanh của những ngày hè đang dần chuyển sang màu xám xịt, những cơn gió nhẹ lướt qua da mang theo mùi ẩm ướt cũng là lúc báo hiệu mùa mưa đã đến trên vùng biên giới huyện Bù Đốp tỉnh Bình Phước.
Chúng tôi có dịp theo chân cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp tuần tra kiểm soát bảo vệ từng mầm xanh nơi đây. Len lỏi khắp khu rừng, đâu đâu cũng xuất hiện biển cảnh báo cấm mọi hình thức xâm hại rừng; các khẩu hiệu dễ nhớ như: “Đốt rừng như thể đốt nhà, cháy rừng như thể cháy da thịt mình”, “Bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta - Hãy hành động ngay hôm nay”…
Theo Ban Quản lý bảo vệ rừng Bù Đốp, hiện đơn vị đảm nhiệm quản lý và bảo vệ gần 8.500ha rừng, trong đó 6.500ha là rừng tự nhiên. Bên cạnh lực lượng chính quy, từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đơn vị tuyển mộ 4 cộng đồng dân cư tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, mỗi cộng đồng có từ 30 - 40 thành viên, mỗi thành viên nhận khoán 30ha rừng. Từ sự hỗ trợ đắc lực của các tổ cộng đồng, đến thời điểm này toàn bộ diện tích rừng đơn vị quản lý đều an toàn, giữ vững, không bị xâm hại.
Vừa là quản lý, vừa là người bạn đồng hành với các tổ cộng đồng nhận khoán, hơn ai hết, anh Nguyễn Thành Vinh, Phó giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp thấu hiểu được sự khó khăn, nhọc nhằn của những người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng cũng như của các tổ cộng đồng nhận khoán.
“Tuy diện tích rừng không lớn bằng các địa phương khác nhưng trải dài, phần lớn tiếp giáp với biên giới Campuchia và lòng hồ thủy điện Cần Đơn. Lợi dụng địa hình phức tạp, mùa mưa là thời điểm các đối tượng phá rừng hoạt động mạnh nhất. Để bảo vệ rừng, đơn vị phải đảm bảo duy trì 100% quân số, tuần tra hàng trăm km trên những cung đường rừng vừa trơn trượt, vừa đối mặt thú dữ và thậm chí có thể là sinh mạng nếu không may bị lũ quét, lũ cuốn”, anh Vinh chia sẻ.
Ông Điểu Ngót, tổ trưởng tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp cho biết thêm, ông không nhớ nổi đây là mùa mưa thứ bao nhiêu ông đã cùng ăn, cùng ngủ với rừng. Hơn ai hết, ông ý thức vai trò quan trọng của khu rừng phòng hộ nơi tổ cộng đồng ông chấn giữ, cũng như hiểu rõ những khó khăn mà mình phải đương đầu để bảo vệ rừng trước những tác động của thiên nhiên và của cả con người.
Theo ông Ngót, những năm trước, người dân chưa có ý thức cao trong bảo vệ rừng, bà con thường vào rừng săn bắt, lấy măng, dược liệu, đốt rừng làm rẫy... Song, khó khăn nhất vẫn là cuộc chiến bảo vệ rừng nguyên sinh, nơi có nhiều lâm sản quý luôn trở thành “miếng mồi ngon” của lâm tặc. Bên cạnh tuần tra kiểm soát, tổ còn đẩy mạnh tuyên truyền, từng bước nâng cao ý thức bảo vệ rừng của bà con trong vùng đồng bào dân tộc.
“Hiện tổ nhận khoán bảo vệ hơn 500ha rừng phòng hộ đầu nguồn, ý thức được đây là loại rừng đặc biệt quan trọng trong việc điều tiết lũ mùa mưa, và giữ nước cho mùa khô của hồ thủy diện Cần Đơn. Chỉ với hơn 20 người, nhưng tổ chưa để mất rừng dù chỉ một cây”, ông Ngót nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp cho biết, trước đây, khi chưa thực hiện dịch vụ chi trả môi trường rừng, tình trạng người dân xâm canh, lấn chiếm rừng xảy ra khá phổ biến. Khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân đã trực tiếp cùng tham gia quản lý và bảo vệ rừng. Nhờ đó rừng được bảo vệ tốt hơn, các vụ vi phạm lâm nghiệp, xâm canh, lấn chiếm rừng giảm rõ rệt.
“Có thể nói, hiệu quả thiết thực của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang là tiền đề cho người dân huyện biên giới Bù Đốp nói riêng, Bình Phước nói chung không chỉ thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng mà góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh”, ông Thành phấn khởi nói.
Nguồn: Báo Nông nghiệp.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn