Dự báo cấp cháy rừng ngày 14/01/2025 (Cấp II gồm: Thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, huyện Đam Rông - Cấp IV gồm: huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh,  Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc - Cấp V gồm: huyện Đạ Huoai)

Người giữ cho 'đại ngàn' mãi xanh

Thứ hai - 08/05/2023 21:59

Trạm gác rừng cô độc, thiếu thốn mọi bề, những 'chiến sĩ' gác rừng không nản lòng. Bất kể ngày hay đêm các anh luôn sẵn sàng vượt núi băng rừng giữ rừng mãi xanh.

Những người gác rừng nơi “thâm sơn cùng cốc”

Nơi ở của tổ quản lý bảo vệ rừng số 1 thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chiêng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi dựng. Địa hình hiểm trở, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Thế nhưng, vì nhiệm vụ, các anh đành phải xa gia đình, khăn gói tay nải vào vùng sơn cước giữ cho những cánh rừng mãi xanh tươi.

Có lẽ trong ký ức của những cán bộ kiểm lâm, lâm trường, những ai từng một thời gắn bó với mảnh đất huyện Mang Yang, không thể quên được địa danh con dốc huyện thoại mang tên Đê Kôn. Ngày ấy, để chinh phục được dốc Đê Kôn quả thật đó là một hành trình gian nan, vất vả, nhiều cán bộ lâm nghiệp hay gọi với cái tên khó nhằn, dốc “cổng trời”.

Trạm gác rừng nằm heo hút trong rừng sâu.

Trạm gác rừng nằm heo hút trong rừng sâu.

Tôi vẫn còn nhớ, thời điểm năm 2014, vấn nạn phá rừng tại huyện Mang Yang diễn biến rất phức tạp. Cũng trong năm ấy, tôi có dip theo chân tổ công tác hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang, trải nghiệm cảm giác vượt dốc Đê Kôn vào tiếp cận hiện trường vụ phá rừng. Hôm ấy, trời mưa như trút nước, anh em trong đoàn choàng tạm chiếc áo mưa mỏng tanh, đèo nhau trên xe máy vượt chặng đường rừng theo lối mòn nhỏ, ngoằn nghèo, gập ghềnh sỏi đá.

Mưa càng lúc càng nặng hạt, đường bì bõm nước ngập lênh láng, dù vất vả nhưng anh em trong đoàn vẫn gắng gượng hỗ trợ nhau vượt ải. Sau vài giờ vật lộn với cung đường rừng, trước mắt là dốc “cổng trời” huyền thoại hiện hữu. Nước đục ngàu, từ trên dốc cao cuồn cuộn chạy xuống ồ ạt, đất đá theo dòng lăn lóc rớt xuống. Mọi người trong đoàn đưa mắt nhìn nhau, rồi ai nấy đều lặng lẽ, rẽ xe vào khoảng rừng gần đó nghỉ chân, chờ mưa tạnh.

 Cung đường mà tổ bảo vệ rừng hàng ngày phải vượt qua để tuần tra, bảo vệ rừng.

Cung đường mà tổ bảo vệ rừng hàng ngày phải vượt qua để tuần tra, bảo vệ rừng.

Trời xám xịt, mưa như trút nước, nhiều thành viên trong đoàn người ướt sũng, rung bần bật vì lạnh. Thế nhưng, vì nhiệm vụ phải tiếp cận hiện trường sớm nhất có thể mọi người đành bấm bụng chờ mưa tạnh. Sau một tiếng chờ đợi, trời bắt đầu hửng sáng, cả đoàn gia cố lại quân trang tiếp tục hành trình.

Sau cơn mưa, đường nhão nhoét bùn đất, cành cây khô, đất đá, chắn hết lối đi. Bánh xe ngập sâu trong bùn lầy, không nhúc nhích nổi, người bứng tay lái, người nhấc bổng bánh sau lên cả đoàn ì ạch vượt dốc, ai nấy người lấm lem bùn đất. Với tôi, đó là một kỷ niệm khó quên, con dốc huyện thoại từng làm nhụt chí bao người.

Để đại ngàn mãi xanh tươi

Hôm nay, Đê Kôn nay đã đổi thay, con đường nhão nhoét bùn đất ngày nào giờ chỉ còn lại trong ký ức của nhiều người. Đường lên dốc đã được đổ bê tông phẳng lì. Từ dốc cao cuối làng Đê Kôn phóng tầm mắt ra xa, nhà gác rừng nằm đơn độc giữa đồng không mông quạnh.

Trò chuyện với chúng tôi anh Nguyễn Vũ Hữu Ảnh nhớ lại, hai năm trước, khi tổ mới chuyển lên đây, đúng là khó tứ bề. Công ty mua được mấy sào đất, san gạt sơ sơ rồi dựng cái nhà bé tin hin cho anh em ở tạm. Ban đêm, gió thông thốc thổi, tay chân tê cứng, chúng tôi phải dậy, đốt lửa sưởi cho ấm. Điện đóm tù mù, lúc có lúc không.

Thức ăn chủ yếu là rau rừng, nơi đây sóng điện thoại không có, phải ra làng Đê Kôn mới gọi được. Những hôm trời mưa liên tục, đường lầy, nước lên ngập cống, phải đi bộ cả cây số để tìm cách liên lạc báo cáo công việc. Có hôm trời tối, lọ mọ ra gọi điện xong đi về trạm, qua chỗ cống nước, lớ ngớ thế nào ngã sóng soài, người ướt như chuột lột, còn điện thoại bị trôi mất.

Đường rừng nhão nhoét bùn đất khi mưa về.

Đường rừng nhão nhoét bùn đất khi mưa về.

Sau câu chuyện xã giao, anh Ảnh lấy chiếc xe Win chở tôi thăm nom rừng rú. Vừa đi anh vừa tâm sự: “Tổ có 3 người nhưng quản lý hơn 3.000 ha rừng tự nhiên. Phải thật khỏe thì mới làm nghề này được. Rừng ở trên núi cao, tiếp giáp với địa phận 2 huyện Mang Yang và Kông Chro, lại còn khu vực rẫy của người dân, chúng tôi thay phiên nhau đi tuần tra trọn tuần, trong khi ít người quá. Biên chế của tổ có 4 người nhưng nay mới điều đi 1, mọi công việc 3 anh em thay nhau gồng gánh. Mùa nắng còn đỡ, chứ mùa mưa thì mắc võng ngủ rừng là thường xuyên. Khi đi tuần tra rừng, anh em chúng tôi mang theo võng màn, xoong nồi, gạo để nấu ăn trong đó. Nhiều hôm dựng lán ở trong đó luôn”.

Tiếp lời, vị trạm trưởng, anh Nguyễn Văn Giang khẽ cười, anh kể, bây giờ đỡ hơn trước nhiều nhưng vẫn chưa hết khó. Nơi này hiện vẫn chưa có sóng điện thoại, muốn gọi cho vợ con hoặc báo việc về Công ty thì ra làng Đê Kôn. Nhưng sợ nhất vẫn là sét đánh. Nhiều khi trời không mưa hoặc không có tia sét ở gần mà mấy thiết bị điện tử vẫn bốc khói um. Ti vi, tủ lạnh, điện thoại bị cháy mấy cái rồi. Còn chuyện anh em gọi nhau chạy ra ngoài đứng khi thấy da nổi gai gai, tóc dựng lên để tránh bị sét đánh là thường tình. Từ Tết Nguyên đán đến nay, anh em tự góp tiền mua thiết bị chống sét về gắn trong nhà nên cũng yên tâm hơn”.

Bữa cơm đạm bạc của các anh trong những lần tuần tra rừng.

Bữa cơm đạm bạc của các anh trong những lần tuần tra rừng.

Sau một hồi trải nghiệm ngắm nghía rừng núi, chúng tôi trở về trạm gác rừng cũng là lúc trời chập tối. Tay mở, tủ lạnh lấy thức ăn tích trữ chuẩn bị bữa cơm tối, anh Giang chia sẻ: “Lương tháng của em chỉ hơn 5 triệu đồng. Vợ em đang thất nghiệp. Để đủ tiền nuôi con, em phải phụ thêm vợ bán hàng trên mạng. Hôm nào nghỉ trực là phóng xe khoảng 50km về Kông Chro đi giao hàng giúp cho vợ. Công việc ở đây nặng nề, đi rừng vất vả, trách nhiệm cao. Nhiều hôm đi tuần tra rừng về không hiểu vì sao mình có thể làm được công việc nặng nhọc như thế này. Mấy năm nay, cũng có một vài nhân viên bảo vệ rừng của Công ty nghỉ việc”.

Bữa cơm tối với thực phẩm có xung quanh nhà gác mà các thành viên trong tổ chăm chút lâu nay mang lại nhiều dư vị. Những chiếc áo ấm được khoác thêm lên người. Bỗng mấy bóng điện lóe nháy rồi vụt tắt, anh Giang vội chạy ra cời than cho đống lửa trước sân. Giờ đây, tôi mới vỡ lẽ vì sao có điện mà các anh vẫn đốt thêm đống lửa. Và rồi, trong hơi ấm của lửa, trong hơi buốt của gió, câu chuyện của chúng tôi được nối dài thêm, đượm vị núi rừng. Mong cho các anh chân cứng đá mềm, để giữ cho những cánh rừng đại ngàn mãi xanh cùng năm tháng.

Ông Văn Hải Hội, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chiêng cho biết: “Hai năm qua, khu vực này không xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép và phá rừng làm rẫy. Cá nhân anh Nguyễn Vũ Hữu Ảnh được cơ quan xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022. Còn chế độ đãi ngộ là khó khăn chung của các công ty lâm nghiệp ở thời điểm hiện tại, chúng tôi cũng đang tìm cách tháo gỡ. Chúng tôi cũng đã động viên tổ quản lý bảo vệ rừng số 1 khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nguồn: Báo mới.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điểm Cháy Từ Vệ Tinh
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh báo biến động rừng
cảnh báo biên động
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây