Đường dây nóng tố giác tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (Số Hotline): 0899 546 547

Đức Trọng: Canh rừng giữa cao điểm mùa nắng nóng

Thứ sáu - 08/03/2024 20:58

(LĐ online) - Tháng 3 cũng là thời điểm mùa khô năm 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bắt đầu bước vào giai đoạn gay gắt, nguy cơ cảnh báo cháy rừng ở mức cực kỳ nguy hiểm (cấp 5). Chính vì vậy, các cấp chính quyền cùng các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện Đức Trọng đang tập trung toàn bộ lực lượng bảo vệ rừng để tuần tra, kiểm soát những địa bàn được giao quản lý; thực hiện tốt các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. 

Các cánh rừng trên địa bàn huyện Đức Trọng nằm trong nguy cơ cảnh báo cháy rừng ở mức cực kỳ nguy hiểm
Các cánh rừng trên địa bàn huyện Đức Trọng nằm trong nguy cơ cảnh báo cháy rừng ở mức cực kỳ nguy hiểm

Theo chân các nhân viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 1, đóng chân tại xã Hiệp An cùng hàng chục hộ dân tham gia nhận khoán để thực hiện công tác tuần tra bảo vệ rừng; đi len lỏi dưới những tán rừng thông cổ thụ tại Tiểu khu 268 xã Hiệp An của huyện Đức Trọng trong những ngày nắng nóng gay gắt tháng 3, lớp thực bì dày cộm không làm chúng tôi êm chân, mà thay vào đó là nỗi lo cháy rừng.

Các lực lượng chức năng phát hiện sớm các vụ cháy và tiến hành chữa cháy. Qua đó, diện tích rừng cũng như giá trị lâm sản thiệt hại không lớn
Các lực lượng chức năng phát hiện sớm các vụ cháy và tiến hành chữa cháy. Qua đó, diện tích rừng cũng như giá trị lâm sản thiệt hại không lớn

Anh Ha Hùng – Tổ trưởng Tổ nhận khoán tại Tiểu khu 268 xã Hiệp An cho biết, vào mùa cao điểm hiện nay, toàn tổ nhận khoán luôn triển khai 100% quân số theo yêu cầu của cấp trên, trực 24/24h. Riêng với 10 thành viên trong tổ nhận khoán làm được phân công làm nhiệm vụ, tổ sẽ chia làm 2 nhóm để thực hiện tuần tra rừng theo từng khu vực cụ thể. Qua đó, các thành viên sẽ kịp thời phát hiện các trường hợp người dân vào rừng đẽo ngo, săn ong lấy mật để kịp thời nhắc nhở về việc sử dụng nguồn lửa trong rừng, đặc biệt là các hành vi đốt thực bì các diện tích nương rẫy canh tác giáp ranh rừng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các trường hợp cháy rừng trên địa bàn từ đầu năm đến nay.

Bên cạnh công tác tuần tra rừng, các thành viên trong tổ nhận khoán tại Tiểu khu 268 còn thực hiện xử lý phát dọn thực bì tại một số vị trí rừng trọng điểm, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Riêng thời điểm buổi trưa, các thành viên trong tổ nhận khoán sẽ dựng lán hoặc mắc võng ngủ, nghỉ trong rừng để trực cháy. Khi phát hiện có đám cháy, các anh sẽ báo cáo trạm trưởng để huy động lực lượng, người dân địa phương, hộ nhận khoán trên địa bàn tham gia chữa cháy. Với tình huống cháy rừng phức tạp, các trạm sẽ báo cáo Ban Quản lý để huy động lực lượng tổ chức chữa cháy.

Tổ nhận khoán tại Tiểu khu 268 thực hiện xử lý phát dọn thực bì tại một số vị trí rừng trọng điểm
Tổ nhận khoán tại Tiểu khu 268 thực hiện xử lý phát dọn thực bì tại một số vị trí rừng trọng điểm

Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh hiện đang được giao quản lý và bảo vệ 18.400 ha rừng tại 12 xã và 1 thị trấn. Riêng những cánh rừng nằm ở các xã Hiệp An, Hiệp Thạnh luôn nằm trong nhóm những xã nguy hiểm về cháy rừng. Gần như năm nào, các xã này cũng được cảnh báo trong nhóm nguy hiểm. Do đó, các lực lượng được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là phòng, chống cháy rừng trên lâm phần địa bàn thường xuyên phân ca, tuần tra canh gác lửa rừng 24h/24h tại các chòi canh lửa và các điểm chốt vùng trọng điểm.

Ông Vương Anh Dũng – Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh (Đức Trọng) cho biết, mặc dù, các lực lượng chức năng của đơn vị đã thực hiện tuyên truyền, nhắc nhở nhiều lần đến người dân về sử dụng nguồn lửa trong việc đốt thực bì đất sản xuất nông nghiệp giáp ranh rừng, thế nhưng tình trạng cháy rừng trên địa bàn vẫn thường xuyên xảy ra. Từ đầu năm đến nay, trên diện tích rừng thuộc lâm phần đơn vị quản lý đã xảy ra 3 vụ cháy rừng, may mắn các lực lượng chức năng phát hiện sớm và tiến hành chữa cháy. Qua đó, diện tích rừng cũng như giá trị lâm sản thiệt hại không lớn.

Các lực lượng chức năng thường xuyên hiện tuần tra bảo vệ rừng
Các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng

Hiện nay, để tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, đơn vị đã được UBND huyện trang bị 20 mắt camera không dây trong rừng để phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn. Các camera được lắp đặt di động, linh hoạt tại các khu vực thường xuyên xảy ra phá rừng như: Tiểu khu 267C, xã Hiệp An (khu vực rừng ven dự án hồ Toa Hoét)...; Tiểu khu 278A, xã Hiệp An; Tiểu khu 300, 350 xã Phú Hội; Tiểu khu 366, xã Ninh Loan; Tiểu khu 642, xã Ninh Gia. Ngoài hệ thống camera trong rừng, huyện Đức Trọng cũng tiến hành lắp đặt hệ thống camera tại các tuyến đường vào khu vực rừng thường xuyên bị phá, bị lấn chiếm đất. Qua đó, giúp đơn vị kịp thời phát hiện nhanh các đám cháy để có hướng xử lý tiếp theo.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô 2023 - 2024, UBND huyện Đức Trọng cũng đã có văn bản chỉ đạo đơn vị tập trung cao độ, thực hiện có hiệu quả phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; chịu trách nhiệm chính trong công tác bảo vệ rừng trên diện tích rừng được giao quản lý; đồng thời, có biện pháp, giải pháp xử lý khắc phục các hiện trường cháy rừng theo quy định, căn cứ mức độ thiệt hại, chủ rừng xác định và thực hiện các giải pháp phục hồi rừng phù hợp sau khi cháy.

Đối với đơn vị đã duy trì các tổ trực cháy, lập nhóm trên phần mềm zalo để thông tin, chỉ đạo kịp thời, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô và các ngày nắng nóng. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao để kịp thời phát hiện đám, điểm cháy rừng; thông báo và tổ chức lực lượng triển khai các biện pháp chữa cháy rừng, dập tắt đám cháy trong thời gian ngắn nhất, nhanh nhất có thể ngay từ khi mới phát sinh không để ảnh hưởng đến tài nguyên rừng và cảnh quan môi trường; trường hợp xảy ra cháy lan, cháy lớn vượt tầm khống chế, kiểm soát của lực lượng tại chỗ thì phải thông báo, huy động lực lượng của cấp huyện, sự hỗ trợ của cấp tỉnh để tham gia chữa cháy rừng; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức phòng cháy, chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả.

Nguồn: Báo Lâm Đồng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điểm Cháy Từ Vệ Tinh
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Dự Án Giám Sát TMR
Dự Án Giám Sát TNR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây