Là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất tỉnh, huyện Lạc Dương nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, phát huy hiệu quả kinh tế rừng, nâng cao đời sống Nhân dân.
Bí thư Huyện ủy Lạc Dương Trần Thị Chúc Quỳnh đi kiểm tra rừng |
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương Lê Văn Chuyên cho biết: Hiện tỷ lệ che phủ của rừng của địa phương đạt 85,04%, rừng đa dạng về hệ sinh thái và đa dạng về tổ thành loài, trong đó có nhiều loài cây gỗ quý hiếm như: Pơ mu, thông lá dẹt, du sam, bách xanh, gõ đỏ… nằm trong nhóm gỗ IIA theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ. Trên địa bàn huyện có 3 đơn vị chủ rừng nhà nước gồm: Ban quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tà Nung, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà và 37 dự án thuê đất để đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp với tổng diện tích 3.918,70 ha.
Thời gian qua, huyện Lạc Dương đã có nhiều giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR). Trong đó, Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường công tác phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị; đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của cấp trên trong công tác QLBVR, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); tuần tra, kiểm tra, truy quét, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn huyện và các vùng giáp ranh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ rừng, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những hộ dân sống gần và ven rừng bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị, họp dân, tuyên truyền thực hiện quy ước bảo vệ rừng, thông qua hệ thống loa truyền thanh, truyền hình địa phương, ký cam kết bảo vệ rừng, phát tờ rơi, xây dựng bảng Panô…
Hàng năm, Hạt Kiểm lâm huyện tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu trồng rừng và chỉ đạo các xã bám sát kế hoạch, tập trung vận động người dân trồng rừng. Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc chủ rừng, người dân thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên làm giàu rừng, bảo vệ tốt diện tích rừng được Nhà nước giao. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện đã trồng được trên 360.000 cây xanh các loại. Lực lượng kiểm lâm tập trung bám nắm địa bàn, thường xuyên phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng vi phạm quy định quản lý, bảo vệ rừng. Trong 9 tháng đầu năm, đã thực hiện 1.246 đợt tuần tra, kiểm tra rừng trên địa bàn toàn huyện, phát hiện, xử lý 10 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đã xác định đối tượng vi phạm; trong đó lập hồ sơ xử lý hành chính 9 vụ, 1 vụ vi phạm có tính chất phức tạp, nổi cộm đã chuyển xử lý hình sự với 4 bị can, tịch thu 33,935 m3 gỗ tròn các loại và 8 cá thể động vật rừng, thu nộp ngân sách 60 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2023, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn huyện giảm sâu trên cả 3 mặt: số vụ, diện tích rừng thiệt hại và khối lượng lâm sản thiệt hại. Hiện tổng diện tích giao khoán bảo vệ rừng trên địa bàn huyện đạt 107.555 ha, cho 3.127 hộ, chủ yếu là hộ đồng bào DTTS và 14 tổ chức nhận khoán theo nguồn vốn dịch vụ môi trường rừng.
Công tác PCCCR được quan tâm, tăng cường, Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương và các đơn vị chủ rừng đã thực hiện đầy đủ các hạng mục công trình PCCCR theo phương án đã được thẩm định, phê duyệt. Các đơn vị chủ rừng đã xác định các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng để tổ chức làm giảm vật liệu cháy nhằm đảm bảo phòng ngừa tình trạng cháy rừng xảy ra trong mùa khô do sử dụng lửa thiếu kiểm soát. Đồng thời tổ chức lực lượng hợp đồng chuyên trách PCCCR, tổ nhận khoán bảo vệ rừng thường xuyên túc trực tại các điểm trực cháy nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các điểm cháy phát sinh trong rừng. Trong mùa khô năm 2023-2024, qua thông tin cảnh báo cháy rừng từ vệ tinh trên địa bàn huyện có 315 điểm cảnh báo cháy rừng; các điểm cháy rừng phát sinh trong mùa khô chủ yếu là các điểm cháy nhỏ, cháy thực bì dưới tán rừng, Kiểm lâm địa bàn đã phối hợp với đơn vị chủ rừng và lực lượng nhận khoán, hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng tổ chức dập tắt kịp thời, không để các điểm cháy gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng phải báo cáo thành vụ cháy rừng.
“Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, UBND huyện và sự nỗ lực, cố gắng của các địa phương, đơn vị, chủ rừng, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn huyện, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn huyện từ đầu năm 2024 đến nay giảm sâu trên cả 3 mặt. Công tác tuyên truyền được các đơn vị chủ rừng quan tâm thực hiện thường xuyên. Các địa phương, đơn vị chủ rừng đã triển khai thực hiện trồng rừng, trồng cây xanh, cây phân tán theo kế hoạch. Thời gian tới, Hạt tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng để đảm bảo giữ vững vốn rừng hiện có, thực hiện có hiệu quả công tác phát triển rừng”, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương Lê Văn Chuyên cho hay.
Nguồn: Báo Lâm Đồng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn