Nhờ thực hiện tốt công tác phối hợp tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong năm 2024, tình hình quản lý, bảo vệ rừng tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đại Ninh (huyện Đức Trọng) đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tổ nhận khoán tại Tiểu khu 268 thực hiện xử lý phát dọn thực bì tại một số vị trí rừng trọng điểm |
Ông Vương Anh Dũng - Phó Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đại Ninh cho biết, hiện đơn vị đang được giao quản lý tổng diện tích rừng là 18.493,8 ha, gồm 47 tiểu khu, nằm trên địa bàn 13 xã, thị trấn gồm Hiệp An, Hiệp Thạnh, Liên Hiệp, N’Thôn Hạ, Bình Thạnh, Tân Hội, Tân Thành, Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine, Ninh Loan, Đà Loan và thị trấn Liên Nghĩa. Trong đó, diện tích rừng sản xuất là 10.180,6 ha, chiếm tỷ lệ 55%; rừng phòng hộ là 8.313,2 ha, chiếm tỷ lệ 45%.
Theo ông Vương Anh Dũng, trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, đơn vị đã gặp không ít khó khăn như địa bàn quản lý rộng khắp 12 xã và thị trấn Liên Nghĩa; lực lượng bảo vệ rừng ngày càng đối mặt với những áp lực nặng nề về công tác quản lý, bảo vệ rừng; các đối tượng phá rừng ngày càng thủ đoạn, tinh vi như khoan đổ hóa chất, dùng thuốc bỏ lên gốc cây, dùng cưa điện cưa cây,... hoặc lợi dụng lúc trời mưa, tối, ngày nghỉ để gây ra các vụ phá rừng trái pháp luật.
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý đất đai của người dân còn hạn chế; nhu cầu về đất để sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng lên dẫn đến việc lấn, chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp vẫn còn xảy ra. Mặt khác, tâm lý người dân còn sợ bị nhà nước thu hồi đất và lo ngại cây trồng xen ảnh hưởng đến cây trồng công nghiệp nên đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân trồng xen, trồng rừng vành đai.
Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, hàng tháng, đơn vị tổ chức phổ biến, quán triệt nhiệm vụ đến toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động trong đơn vị. Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của cấp trên trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn và các vùng giáp ranh. Ngoài ra, đơn vị đã xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng viên chức trong đơn vị, quyết tâm thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch cấp trên giao.
Bên cạnh đó, đơn vị đã chủ động xây dựng các biện pháp tuần tra, kiểm tra rừng, tổ chức các hộ nhận khoán trực 24/24 tại rừng; tổ chức làm việc các ngày nghỉ trong tuần, làm ngoài giờ hành chính. Đồng thời, chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động trong đơn vị đúng theo các quy định của pháp luật. Thực hiện Nghị định 01/2019/NĐ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, đơn vị đã thành lập 4 đội bảo vệ rừng chuyên trách gồm 18 người.
Trong năm 2024, trên địa bàn lâm phần do đơn vị quản lý đã xảy ra 32 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp với tổng diện tích bị tác động là 37.253 m2 (giảm 25 vụ so với cùng kỳ năm 2023, giảm 43,86% về số vụ, giảm 51,38% về diện tích). Trong đó, số vụ phá rừng trái pháp luật là 3 vụ (giảm 5 vụ so cùng kỳ 2023, tương đương giảm 62,5%), diện tích bị tác động là 3.866 m2, khối lượng lâm sản thiệt hại là 12,481 m3. Đơn vị cũng đã chuyển Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng xử lý đối với các hành vi lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái phép 29 vụ vi phạm, tổng diện tích vi phạm là 33.387 m2 (giảm 20 vụ so với cùng kỳ năm 2023, giảm 40,8%). Ngoài ra, đơn vị đã lập hồ sơ các vụ vi phạm để chuyển các ban, ngành chức năng xử lý theo quy định.
Mặt khác, công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, các ban, ngành tuần tra, truy quét, giải tỏa cây trồng trái phép và trồng lại rừng trên diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm luôn được Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đại Ninh thực hiện thường xuyên. Trong năm 2024, đơn vị đã chủ trì và phối hợp UBND các xã, thị trấn và các ban, ngành thực hiện 38 đợt giải tỏa; trong đó, có 34 đợt giải tỏa theo kế hoạch và 4 đợt giải tỏa nóng với tổng diện tích giải tỏa là 61,91 ha, bao gồm diện tích lấn chiếm mới và tái lấn chiếm.
Riêng đối với công tác phát triển rừng, đơn vị đã xây dựng và thực hiện trồng xen cây lâm nghiệp, cây đa mục đích đạt 207,54 ha/155,73 ha kế hoạch; trong đó, có 125,35 ha nằm trong thiết kế đã được phê duyệt năm 2024 và 82,19 ha ngoài thiết kế. Thực hiện trồng rừng khắc phục tại 5 vị trí với tổng diện tích là 2,709 ha với tổng số là 5.562 cây; trồng rừng sau khai thác đạt 11,06 ha; chăm sóc rừng trồng các năm đạt 120 ha.
Thời gian tới, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đại Ninh sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp với nhận thức, tập quán và điều kiện cụ thể của từng đối tượng. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, viên chức trong việc đánh giá, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp - ông Dũng cho hay.
Nguồn: Báo Lâm Đồng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn