“Xác định rừng là tài nguyên, nguồn lực to lớn của đất nước; là tư liệu sản xuất quan trọng, có khả năng tái tạo, yếu tố quan trọng của môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, quốc phòng, an ninh; là không gian sinh tồn, lưu giữ các giá trị văn hoá, gắn với đời sống, sinh hoạt của các cộng đồng dân cư nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Bảo vệ, phát triển rừng vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”. Những năm qua, lực lượng kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng và các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương luôn quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó trọng tâm là: “Đổi mới, đa dạng hoá, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, hướng đến thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen trong tiêu dùng, sản xuất, sinh hoạt góp phần cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững”.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng luôn chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong thực thi pháp luật về lâm nghiệp, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật về lâm nghiệp trong bối cảnh các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp thời gian qua thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Để “Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp” ngay từ đầu năm 2024, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng các Kế hoạch: số 08/KH-KL ngày 29/01/2024 cập nhật thông tin về QLBVR, PCCCR, chính sách pháp luật trên Website của Chi cục Kiểm lâm; số 25/KH-KL ngày 08/5/2024 tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về quản lý bảo vệ rừng năm 2024 và triển khai thực hiện tới các phòng, đơn vị trực thuộc Chi cục. Các hình thức tuyên truyền được triển khai linh động, phù hợp với đặc điểm tình hình từng đơn vị và từng thời điểm do đối tượng tiếp nhận rất đa dạng như tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền lưu động, ký cam kết, kết hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật với kiểm tra xử lý vi phạm, viết bài tuyên truyền, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật trên mục “Các văn bản quy phạm pháp luật” của Trang website của Chi cục Kiểm lâm…
Qua đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tại các huyện và thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc tổ chức được 41 cuộc tuyên truyền nâng cao nhận thức về QLBVR với 3.635 người tham gia (các nội dung tuyên truyền chủ yếu chú trọng các quy định của pháp luật liên quan đến: các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lâm nghiệp; các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 07/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 và một số tội được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp; nhận dạng một số loài động, thực vật hoang dã nguy cấp quý hiếm và loài động, thực vật hoang dã nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; trách nhiệm trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng…); phối hợp tổ chức 03 lớp tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ: 02 lớp tập huấn về cập nhật theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, ứng dụng máy bay flycam trong QLBVR cho đối tượng là công chức kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, các đơn vị chủ rừng Nhà nước trên địa bàn tỉnh và 01 lớp tập huấn về pháp luật lâm nghiệp, nghiệp vụ theo dõi địa bàn, lập hồ sơ vi phạm ban đầu cho đối tượng là lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Ban Quản lý rừng Lâm Viên; viết bài, cập nhật, đăng 180 bài, tin và cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới, các thông tin chỉ đạo điều hành lên trang website của Chi cục Kiểm lâm.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp, từ đầu năm 2024 đến nay Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Lâm Đồng xây dựng nhiều tin, bài phát sóng trong chương trình Thời sự tối và trong các Mục, chuyên mục như: pháp luật, đời sống, tòa soạn và bạn đọc. Các đơn vị trực thuộc Chi cục chủ động, tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp tới đông đảo quần chúng nhân dân sinh sống gần rừng, phối hợp thực hiện ký cam kết bảo vệ rừng… Chi cục Kiểm lâm đã tổ chức in ấn và phát 150.000 tờ rơi, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng 02 bài phóng sự; ngoài ra, trong 11 tháng năm 2024, lực lượng quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn tỉnh đã thực hiện được 693 cuộc tuyên truyền, giáo dục pháp luật/28.134 người tham gia, ký được 8.983 bản cam kết, phát 1.060 tờ rơi và tổ chức nhiều đợt tuyên truyền lưu động bằng xe loa tại các xã, phường, thị trấn có rừng trong mùa khô hàng năm.
Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã giúp nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân về công tác bảo vệ rừng góp phần quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng trong thời gian cao điểm nắng nóng gay gắt diễn biến phức tạp vào các tháng mùa khô trong năm 2024; 11 tháng đầu năm 2024, các chỉ tiêu về: số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm (giảm 27%); khối lượng lâm sản thiệt hại (giảm 44%), diện tích rừng bị thiệt hại (giảm 33%); số vụ vi phạm phức tạp, nổi cộm (giảm 20%) so với cùng kỳ năm 2023, đã đạt và vượt các chỉ tiêu theo kế hoạch năm 2024 đã đề ra; tỷ lệ số vụ vi phạm xác định được đối tượng vi phạm chiếm tỷ lệ khá cao (chiếm tỷ lệ 83%); trong năm 2024 trồng được 343,20 ha rừng; tiếp nhận 10 trường hợp người dân tự nguyện giao nộp Nhà nước với 18 cá thể động vật rừng thuộc Danh mục loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm (02 Rùa Răng, 05 Tê Tê java, 01 Cu li nhỏ, 01 Trăn gấm, 01 Khỉ đuôi lợn, 01 Rái cá vuốt bé, 01 Khỉ mặt đỏ);
Trong thời gian tới Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp để người dân hiểu được giá trị, ý nghĩa của việc bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trọng việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao.
Một số hình ảnh liên quan
Nguồn: Phòng Thanh tra pháp chế.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn