Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, từ nay trở đi, UBND tỉnh này không xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp nếu không thuộc danh mục thu hút đầu tư của tỉnh đã công bố.
Việc cho thuê rừng và đất lâm nghiệp cho nhà đầu tư phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp, quản lý sử dụng tài sản công và lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu, đấu giá theo quy định (nếu có).
Việc thực hiện ưu đãi đầu tư phải áp dụng đúng quy định của pháp luật, phù hợp danh mục thu hút đầu tư và ưu đãi đầu tư của tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc tham mưu, đề xuất đối với Dự án Quản lý bảo vệ rừng kết hợp với trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại huyện Lâm Hà.
Như Báo Đầu tư đã phản ánh, nhiều doanh nghiệp sau khi đầu tư vào đất rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bị “mắc kẹt” do giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp chưa có sự thống nhất về lĩnh vực này.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh này hiện có 278 doanh nghiệp thực hiện 291 dự án đầu tư có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, 107 doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư có liên quan đến diện tích rừng và đất lâm nghiệp thuộc đối tượng rừng phòng hộ được cho thuê rừng trước thời điểm Luật Lâm nghiệp có hiệu lực (ngày 1/1/2019).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, tính đến ngày 26/6/2023, tỉnh này có 12 doanh nghiệp với 12 dự án đầu tư đang gặp vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến pháp luật về đất đai và lâm nghiệp.
Cụ thể, 5 doanh nghiệp với 5 dự án đầu tư đang hoạt động đã được thuê đất, nhưng chưa được thuê rừng, gồm: Công ty TNHH MTV Petrodalat, Công ty TNHH ABODOS, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Phan Hào, Công ty cổ phần Tuyền Lâm Hill và Công ty TNHH Thủy điện Tà Nung.
Lý do các dự án này dù đã được UBND tỉnh cho thuê đất, nhưng chưa được thuê rừng là bởi đối tượng là rừng phòng hộ. Theo quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản liên quan thì không cho tổ chức kinh tế thuê rừng phòng hộ.
Ngoài ra, còn 5 doanh nghiệp với 5 dự án đầu tư được bán tài sản đã đầu tư trên đất phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, nhưng chưa phù hợp với quy định của pháp luật về lâm nghiệp, trong đó 4 dự án của các doanh nghiệp: Công ty cổ phần Hoàng gia Sài Gòn - Đà Lạt; Công ty cổ phần Hỗ trợ nhân đạo, văn hóa, giáo dục Hà Nội; Công ty TNHH An Tâm; Công ty cổ phần Thương mại - Xuất nhập khẩu Mai Viết, được UBND tỉnh cho chủ trương chuyển nhượng tài sản trên đất (theo quy định khoản 3, Điều 189, Luật Đất đai).
Những dự án này đang gặp vướng mắc về thuê rừng do không thuộc đối tượng áp dụng quy định tại khoản 1, Điều 108, Luật Lâm nghiệp. Cụ thể, chủ rừng đã được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn được giao, cho thuê… Riêng Công ty TNHH Thiên Thai được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương chuyển nhượng tài sản trên đất tại Văn bản số 531/UBND-LN ngày 21/1/2022, do trên diện tích được thuê vừa có rừng phòng hộ và rừng sản xuất (30,02 ha rừng phòng hộ và 103,82 ha rừng sản xuất).
Bên cạnh đó, 2 doanh nghiệp với 2 dự án đầu tư có hoạt động chuyển nhượng dự án liên quan đến rừng và đất rừng phòng hộ là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Anh và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Ha Co. Hai công ty này có chủ trương chuyển nhượng dự án đầu tư sang Công ty cổ phần Tầm nhìn Đại dương. Vì diện tích rừng phòng hộ chưa hoàn thành các thủ tục liên quan trước thời điểm Luật Lâm nghiệp có hiệu lực, nên các dự án này không được thuê rừng.
Nguồn: Báo Đầu tư.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn