Khám nghiệm hiện trường một vụ phá rừng. |
Chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh
Được biết, công tác QLBV rừng tại Lâm Đồng còn gặp một số khó khăn, ông có thể nói về vấn đề này?
Thứ nhất, về xử lý hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, đối tượng vi phạm biết rõ ranh giới giữa bị xử lý hình sự và hành chính nên ít khi vượt qua ngưỡng vi phạm để bị xử lý hình sự. Ví dụ phá rừng đặc dụng phải trên 1.000m2 (0,1ha); rừng phòng hộ phải trên 3.000m2 (0,3ha); rừng sản xuất phải trên 5.000m2 (0,5ha)… thì mới có thể bị khởi tố.
Các đối tượng chủ mưu phá rừng thường thuê cá nhân/nhóm người khác nhau để phá rừng. Trường hợp khi xử lý hành chính nhưng đối tượng vi phạm không nộp tiền phạt, không có tài sản để cưỡng chế thi hành; thì cũng chưa có biện pháp để có tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa; mà đành khép hồ sơ để đó.
Thứ hai, diện tích rừng toàn Lâm Đồng rất lớn, hơn 532 ngàn ha, nhưng lực lượng kiểm lâm quá mỏng. Hiện lực lượng thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ có 250 người; phương tiện, máy móc, thiết bị còn hạn chế, thiếu thốn nên việc phát hiện phá rừng rất khó, nhất là với các hành vi khoan/ken cây rồi bỏ hóa chất. Lưu ý là hiện các đối tượng dùng khoan điện không phát ra tiếng động; cây chỉ có dấu hiệu bị chết sau khoảng vài tháng nên việc phát hiện bắt quả tang rất khó khăn.
Thứ ba, một số chủ rừng còn lơ là, thiếu trách nhiệm QLBV rừng. Bên cạnh đó giá đất ở một số địa phương có giá trị lớn dẫn tới việc lén lút lấn chiếm rừng, phá rừng. Nhất là vào mùa mưa, mùa trồng cây cũng là cao điểm vi phạm lấn chiếm đất rừng, phá rừng.
Khó khăn nữa là vi phạm có thể xảy ra hàng ngày, hàng giờ, trong khi đó để hoàn thiện một bộ hồ sơ đầy đủ, đúng quy định thì mất rất nhiều thời gian, nên xử lý chưa kịp thời.
Hiện trên địa bàn Lâm Đồng có những chủ rừng, nhóm chủ rừng nào để rừng bị tác động nhiều nhất?
Có thể kể đến Cty TNHH MTV Lâm nghiệp; một số Ban Quản lý (BQL) rừng; các BQL khu du lịch, Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (chủ rừng của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh); DN được UBND tỉnh cho thuê đất, thuê rừng để thực hiện dự án; hộ gia đình, cá nhân trước đây được Nhà nước giao đất, giao rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Trong số này, diện tích rừng bị tác động nhiều nhất rơi vào nhóm các BQL rừng và các DN được cho thuê đất, thuê rừng để thực hiện dự án. Tại Lâm Đồng hiện có hơn 300 dự án đầu tư liên quan tới rừng và đất lâm nghiệp. Mỗi dự án dù được yêu cầu thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, nhưng có trường hợp dự án cả trăm ha lại chỉ 1 - 2 người QLBV rừng, phần lớn thiếu chuyên môn về lâm nghiệp.
Chế tài xử lý chủ rừng vi phạm chưa đủ mạnh. Với chủ rừng là các Cty lâm nghiệp, BQL rừng, vườn quốc gia… hiện không có chế tài cụ thể; đơn vị nào để xảy ra vi phạm gây thiệt hại tài nguyên rừng thì xem xét xử lý trách nhiệm về mặt hành chính như kiểm điểm, kỷ luật.
Một số đơn vị chủ rừng lại giao khoán cho các hộ gia đình, cá nhân để bảo vệ rừng. Hiện chưa có chế tài xử lý với lực lượng bảo vệ rừng này. Hoạt động giao khoán bảo vệ rừng còn mang tư tưởng là chính sách xóa đói giảm nghèo cho người dân sống gần rừng. Khi các hộ nhận khoán không tuần tra, kiểm tra để rừng bị phá thì chủ rừng cũng chỉ bị trừ tiền nhận khoán hoặc cắt hợp đồng giao khoán…
Chi cục trưởng Vũ Đình Cường kiểm tra công tác QLBV rừng. |
Cần phân quyền rõ ràng hơn với lực lượng kiểm lâm
Để công tác QLBV rừng hiệu quả, theo ông cần giải pháp nào?
Thứ nhất, chủ rừng, kiểm lâm phải tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện sớm ngay từ khi đối tượng có vi phạm để ngăn chặn. Hiện Chi cục có 2 đội cơ động: Đội 1 gồm 10 người phụ trách 6 huyện phía Bắc (300.000ha rừng); Đội 2 có 9 người phụ trách 6 huyện phía Nam (trên 200.000ha rừng) nên rất khó bám sát địa bàn, phát hiện kịp thời vi phạm.
UBND tỉnh cũng đã có chủ trương giao Chi cục thí điểm sử dụng camera gắn trên các tuyến đường ven rừng, bìa rừng để hỗ trợ việc điều tra, xác minh đối tượng vi phạm. Chi cục cũng kiến nghị mua sắm thêm flycam để hỗ trợ, tăng cường công tác QLBV rừng.
Thứ hai, địa phương, chủ rừng cần cương quyết giải toả, đưa vào trồng rừng với diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Trường hợp chủ rừng không thực hiện thì giao kiểm lâm trồng rừng, sau đó sẽ xem xét trách nhiệm chủ rừng.
Thứ ba, cần chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm, đủ sức răn đe để chủ rừng thực hiện đúng trách nhiệm. Các chủ rừng có lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng rất lớn (hơn 17.000 hộ), hàng năm Nhà nước chi trả tiền giao khoán rất lớn nên chủ rừng phải có trách nhiệm sử dụng hiệu quả lực lượng này.
Các chủ rừng phải chủ động trong việc tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng chứ không thể phụ thuộc vào kiểm lâm địa bàn vì có trường hợp một kiểm lâm địa bàn xã phải quản lý tới 20.000ha rừng, không thể quán xuyến hết.
Từ thực tế hoạt động, ông có góp ý gì để nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm?
Tại Lâm Đồng, hiện lực lượng kiểm lâm tỉnh (trừ kiểm lâm thuộc 2 Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, và Cát Tiên) thuộc sự quản lý, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động của Giám đốc Sở NN&PTNT (bổ nhiệm, điều động, luân chuyển từ lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm đến lãnh đạo Hạt/Phòng/Đội; luân chuyển với công chức kiểm lâm không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý); về công tác Đảng thì chi bộ các Hạt Kiểm lâm trực thuộc các huyện ủy/thành ủy (là chi bộ cơ sở có con dấu); kinh phí hoạt động của các Hạt do cấp huyện bố trí. Trong khi đó, Chi bộ Chi cục Kiểm lâm là chi bộ bộ phận (không có con dấu) thuộc Đảng bộ cơ sở Sở NN&PTNT; Chi cục trưởng không có quyền bổ nhiệm, điều động, luân chuyển công chức kiểm lâm.
Do chưa được phân cấp phân quyền cụ thể nên vai trò chỉ đạo, điều hành của Chi cục trưởng với các Hạt Kiểm lâm, BQL rừng rất hạn chế. Theo tôi, cần có sự phân cấp, phân quyền rõ ràng; chẳng hạn Giám đốc Sở NN&PTNT điều động, bổ nhiệm với lãnh đạo Chi cục; còn việc điều động, bổ nhiệm, luân chuyển với lãnh đạo các phòng, đội, Hạt kiểm lâm và công chức kiểm lâm thì nên phân cấp cho Chi cục trưởng thực hiện. Có như vậy thì nếu cán bộ nào làm không tốt, vi phạm, đơn vị nào mất đoàn kết, mâu thuẫn nội bộ, Chi cục trưởng sẽ thực hiện ngay việc điều động, thay đổi kịp thời.
Bên cạnh đó, kinh phí hoạt động cũng cần quy về một mối là Sở NN&PTNT quản lý, phân bổ cho toàn lực lượng kiểm lâm; thì công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện quản lý, bảo vệ rừng sẽ đạt hiệu quả hơn.
Tại Lâm Đồng, các BQL rừng trực thuộc UBND cấp huyện; lãnh đạo các Ban do Chủ tịch UBND cấp huyện bổ nhiệm, kinh phí hoạt động do huyện bố trí. Chi cục Kiểm lâm chỉ quản lý về mặt chuyên môn, giám sát hoạt động QLBV, phát triển rừng của các chủ rừng, đồng thời thực hiện chức năng thực thi pháp luật về bảo vệ rừng.
Lâm Đồng còn có một mô hình tổ chức quản lý, bảo vệ rừng đặc thù: Chủ rừng đồng thời là lực lượng kiểm lâm. Cụ thể, tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà (thuộc UBND tỉnh quản lý), lãnh đạo Vườn đồng thời là lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Vườn.
Nguồn: Báo Pháp luật.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn