Nước Đức có 14 triệu ha rừng, nhưng chỉ có 1-2% rừng tự nhiên, nhờ người dân hưởng lợi từ rừng đầu tư và chăm sóc tốt nên 1ha có 8-10 tín chỉ các bon.
Theo dự báo của Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn (Trường Đại học Lâm nghiệp), trong những năm tới biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn và liên tục, độ đa dạng giống loài sẽ giảm 10% vào năm 2050 và các khu rừng già sẽ bị giảm 13% trên toàn cầu; phát thải khí nhà kính tăng 50% và nhiệt độ Trái đất có thể tăng cao. Những yếu tố trên sẽ thúc đẩy thị trường các bon thế giới và trong nước sẽ hình thành và phát triển nhanh.
Chia sẻ tại hội thảo "Giao đất, giao rừng, quản lý rừng tự nhiên trong quá trình thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư", ông Jurgen Czilinsky, Chủ tịch Công ty CP quỹ môi trường Việt Nam cho rằng, bộ công cụ đo đếm tín chỉ các bon còn nhiều hạn hạn chế, Việt Nam cần cải thiện bộ công cụ này. Nếu làm tốt thu dịch vụ môi trường rừng từ việc bán tín chỉ các bon, sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho Chính phủ và người dân hưởng lợi từ rừng.
Ông Jurgen Czilinsky lấy ví dụ tại Đức, nước này có 14 triệu ha rừng, tuy nhiên chỉ có 1-2% là rừng tự nhiên, rừng vì thế cũng được người dân hưởng lợi đầu tư giống, chăm sóc bảo vệ tốt nên 1ha có từ 8-10 tín chỉ các bon.
“Bằng cách bán tín chỉ hấp thụ CO2 và tái đầu tư phần lớn doanh thu từ các dự án giảm C02, chúng ta sẽ tạo ra sự cân bằng tự nhiên giữa phát thải và phấp thụ, cũng như giữa kinh tế và sinh thái. Việt Nam cần quan tâm tới chất lượng rừng bên cạnh việc mở rộng diện tích, rừng chất lượng mới tạo ra nhiều tín chỉ các bon hơn, giúp tăng hiệu quả thu nhập từ rừng”, ông Jurgen Czilinsky khuyến nghị.
PGS. TS Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam (VIFORA) cho rằng, việc quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp còn nhiều vướng mắc đang ảnh hưởng lớn đến việc phát triển thị trường tín chỉ các bon.
Theo đó, nhiều công ty lâm nghiệp sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả, tình hình tài chính còn khó khăn, kinh doanh thua lỗ, mất vốn nhà nước, giao khoán đất nhưng không quản lý được đất đai và sản phẩm khoán. Các công ty thuộc diện duy trì mô hình công ty TNHH Một thành viên thực hiện nhiệm vụ công ích phần lớn chưa được bổ sung vốn điều lệ. Cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ công ích đối với rừng phòng hộ, đặc dụng xen kẽ rừng sản xuất là rừng tự nhiên đang tạm dừng khai thác chưa được thực hiện. Công tác quản lý đất đai còn bất cập, việc đo đạc, rà soát, cắm mốc ranh giới, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm.
Đại diện VIFORA kiến nghị cơ quan chức năng sớm thống nhất các nội dung bao hàm của đất lâm nghiệp gồm đất có rừng, đất chưa có rừng và đất cho xây dựng kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó, sớm rà soát, kiểm kê lại diện tích rừng hiện ngoài quy hoạch gồm: diện tích đất trống có khả năng tái sinh thành rừng (thuộc đất đồi núi chưa sử dụng có mã đất DCS theo pháp luật đất đai) và diện tích đất trống nông nghiệp khác nhưng được chuyển sang trồng rừng sản xuất.
Theo TS Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn, sau hơn 6 năm thực hiện Chị thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 1 năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ngành lâm nghiệp đạt nhiều thành công và tạo chuyển biến tích cực.
Luật Lâm nghiệp và các văn bản pháp quy của Chính phủ và Bộ NN-PTNT được ban hành tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện các giải pháp góp phần tăng cường tỷ lệ che phủ rừng lên 42%, mang lại giá trị kinh tế, sinh thái, môi trường, tạo nguồn thu nhập cho chủ rừng thông qua các giá trị gỗ, lâm sản ngoài gỗ, giá trị sinh thái, thu từ dịch vụ môi trường rừng, thị trường tín chỉ các bon.
Về kinh tế, giao đất giao rừng đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là khi hưởng lợi từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng. Thông qua các hoạt động hỗ trợ sau giao đất giao rừng, công tác xã hội hoá nghề rừng được đẩy mạnh, nguồn lao động ở địa phương được huy động để bảo vệ rừng gắn với phát triển bền vững tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, cải thiện đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới.
Nguồn: Báo Nông nghiệp.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn