Đường dây nóng tố giác tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (Số Hotline): 0899 546 547

Lâm Hà: Tập trung công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Thứ ba - 02/04/2024 21:28

Bước vào mùa nắng nóng, khô hạn của Tây Nguyên, nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy rừng cao hơn. Để chủ động bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), thời gian qua, huyện Lâm Hà đã xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.

''Các tổ nhận khoán bảo vệ rừng tại xã Phú Sơn chia các nhóm nhằm túc trực thường xuyên, đặc biệt 
trong những ngày nắng nóng''
Các tổ nhận khoán bảo vệ rừng tại xã Phú Sơn chia các nhóm nhằm túc trực thường xuyên, đặc biệt trong những ngày nắng nóng

Xã Phú Sơn có diện tích tự nhiên hơn 17.523 ha, trong đó có 12.909 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm 73,6%. Diện tích đất có rừng 11.050 ha, gồm rừng tự nhiên là 9.737 ha và rừng trồng là 1.312 ha, với độ che phủ đạt 61%, đất chưa có rừng là 1.858 ha. Ông Ka Tin - Tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng Preting 2 tâm sự: “Tổ của chúng tôi có 19 hộ gia đình và nhận khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích là khá lớn. Diện tích rộng, địa hình nhiều đồi dốc nên việc tuần tra, kiểm soát rừng của người dân ở đây vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, để bảo vệ rừng, giữ rừng, ngoài phòng, chống các hành vi xâm hại về rừng cũng như PCCCR, chúng tôi chia các tổ, thành lập các nhóm nhỏ để thường xuyên theo dõi, túc trực hằng ngày về diễn biến của rừng trong mùa nắng nóng của Tây Nguyên. Qua đó, nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của bà con Nhân dân tại địa phương”.

Ông Hà Thanh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết, vào thời gian cao điểm mùa khô hanh, nắng nóng, xã bố trí lực lượng bảo vệ rừng trực 24/24 giờ; đồng thời chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ và lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng, chủ động trước mọi tình huống khi cháy rừng xảy ra. “Để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và PCCCR, xã Phú Sơn luôn coi trọng công tác tuyên truyền và đây là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, thực hiện dự báo các cấp độ rủi ro đối với từng thôn, xác định vị trí diện tích rừng dễ cháy, chỉ đạo tổ, đội bảo vệ rừng của các thôn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng, phát hiện các trường hợp ra vào rừng, tuyên truyền không dùng lửa bừa bãi trong rừng. Ngay từ đầu mùa khô, xã cũng đã phối hợp với kiểm lâm địa bàn, Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng tới các hộ gia đình, chủ rừng; chú trọng công tác tuyên truyền về các biện pháp PCCCR tới đông đảo người dân, nhằm nâng cao nhận thức cho Nhân dân trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR”, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho hay.

Lâm Hà có tổng diện tích tự nhiên hơn 93.026 ha; trong đó diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp là 36.080 ha gồm 10.473 ha đất rừng phòng hộ và 25.607 ha đất rừng sản xuất, chiếm 38,78% diện tích đất tự nhiên; tỷ lệ che phủ của rừng là 24,69%. Trên địa bàn huyện Lâm Hà, rừng đa dạng gồm rừng gỗ tự nhiên núi đất 18.843 ha, rừng gỗ trồng núi đất 4.128 ha, rừng trồng chưa thành rừng 1.756 ha... Diện tích đất lâm nghiệp sản xuất nông nghiệp 12.123 ha, diện tích này nằm rải rác, xen kẽ trong rừng. Hiện, Lâm Hà có 1 đơn vị chủ rừng nhà nước là Ban Quản lý Rừng phòng hộ Lâm Hà và 8 dự án thuê đất để đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, với tổng diện tích là 35.895 ha; trong đó chủ rừng nhà nước 34.132 ha, chủ rừng ngoài nhà nước 1.763 ha.

Ông Lâm Văn Lộc - Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà nhận định: Huyện Lâm Hà nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, hàng năm có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, nhưng lượng mưa chỉ tập trung vào tháng 7, 8; mùa khô bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 4 năm sau. Trong các tháng mùa khô, nhiệt độ không khí cao và nắng nóng, nhất là vào thời điểm từ 11 giờ đến 16 giờ trong ngày. Thời gian này, độ ẩm thấp làm cho vật liệu cháy khô, có khả năng bén lửa cao và dễ xảy ra cháy rừng. Thời gian cao điểm cháy vào tháng 2, 3 hàng năm. Ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có lúc rất mạnh, nên khi xảy ra cháy (cả cháy rừng và cháy thảm cỏ) đám cháy phát triển và tràn lan nhanh.

UBND huyện Lâm Hà cho biết: Những năm qua, huyện Lâm Hà luôn đặt công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần tăng cường, nâng cao công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, thực hiện. Qua đó, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng qua các năm; để từ đó cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp.

Là cơ quan thường trực về PCCCR cấp huyện, Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà đã xây dựng và thực hiện hầu hết các nội dung phương án PCCCR mùa khô 2023 - 2024. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng và tu sửa các công trình PCCCR; kiểm tra, rà soát tất cả các công trình tuyên truyền phòng cháy trên địa bàn huyện như pano, áp phích, biển cấp dự báo cháy rừng, biển cấm lửa… nhằm kịp thời bổ sung, tu sửa đảm bảo công tác tuyên truyền có hiệu quả. Cùng với đó, Hạt đề xuất UBND huyện Lâm Hà đầu tư mua sắm trang thiết bị phương tiện, dụng cụ PCCCR cần thiết cho các tổ, đội PCCCR đảm bảo sẵn sàng chữa cháy khi có cháy rừng.

Từ đầu năm đến nay, trên đia bàn huyện tình hình thời tiết diễn biến nắng nóng kéo dài trên diện rộng; qua theo dõi đến nay đã xảy ra trên 90 điểm cháy/đám cháy, chủ yếu cháy dưới tán rừng; trong đó có một vụ cháy gây thiệt hại 20% trên diện tích 0,8 ha rừng trồng thông 3 lá năm 2015 tại lô 18, khoảnh 10, Tiểu khu 236, xã Phúc Thọ, một số vụ cháy tại các Tiểu khu 236, 249, 251…

Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà khẳng định: Để chủ động trong công tác bảo vệ, PCCCR, ngay từ đầu mùa khô, Hạt Kiểm lâm huyện, các chủ rừng, các địa phương đã rà soát và khoanh vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng tại các xã. Đồng thời, kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện, xã. Điều chỉnh bổ sung phương án PCCCR với phương châm "4 tại chỗ" theo quy định phù hợp với tình hình địa phương, trong đó chú trọng phòng ngừa là chính, chữa cháy phải kịp thời và có hiệu quả.

Với phương châm “Phòng là chính, chữa cháy kịp thời”, chủ động phát hiện và sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tham gia chữa cháy rừng, công tác PCCCR thực hiện theo nguyên tắc lấy hoạt động phòng ngừa là chính; chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì trực kiểm tra, phát hiện ngay các đám, điểm cháy trên hệ thống camera tầm cao tại Trung tâm Điều hành thông minh IOC của huyện nhằm cung cấp kịp thời thông tin, vị trí để có phương án phòng cháy.

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điểm Cháy Từ Vệ Tinh
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Dự Án Giám Sát TMR
Dự Án Giám Sát TNR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây