Khai thác gỗ trái phép tại một số vùng trọng điểm
Chiều 5/5, tại tỉnh Kon Tum, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024 với các bộ, ngành và gần 60 tỉnh, thành có diện tích rừng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, năm 2023 có 60/60 tỉnh, thành phố đã công bố hiện trạng với tổng diện tích rừng cả nước là gần 15 triệu hecta.
Năm 2023, các cơ quan chức năng phát hiện 3.327 vụ vi phạm ảnh hưởng đến rừng trên phạm vi cả nước, giảm 597 vụ so với 2022. Trong 4 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng phát hiện 650 vụ phá rừng, diện tích bị tác động hơn 182ha, giảm gần 76ha.
Các vụ phá rừng chủ yếu tại các tỉnh vùng Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật diễn ra thường xuyên tại một số vùng trọng điểm, khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, nhất là khu vực Tây nguyên, Đông Nam Bộ. Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu lấy đất sản xuất nông nghiệp, tập quán du canh, nhu cầu khai thác gỗ làm nhà của người dân.
Năm 2023, cả nước xảy ra 310 vụ, diện tích rừng bị ảnh hưởng 674,5ha. Các vụ cháy rừng khiến 12 người tử vong, 6 người bị thương.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 89 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị ảnh hưởng khoảng 498ha chủ yếu là các diện tích rừng trồng, rừng tự nhiên nghèo và rừng non phục hồi.
Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của hiện tượng EL NINO, nền nhiệt và số ngày nắng nóng hơn trung bình nhiều năm. Cùng với đó là do sự bất cẩn của người dân trong việc đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng…
Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị, tỉnh còn nhiều khó khăn, nguồn lực phát triển kinh tế xã hội chủ yếu dựa vào Trung ương. Do đó, nguồn kinh phí dành cho công tác quản lý, bảo vệ rừng có phần hạn chế.
Tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 và các chính sách hỗ trợ thuộc các chương trình, dự án trong lĩnh vực lâm nghiệp đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
"Lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách là nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng nhưng các chế độ, chính sách, đãi ngộ có phần chưa tương xứng. Tỉnh đề nghị Chính phủ quan tâm xem xét có các chính sách hỗ trợ cán bộ bảo vệ rừng yên tâm công tác", ông Tháp kiến nghị.
Đại diện UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, địa phương có diện tích rừng lớn nhưng con người hạn chế nên rất khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Chính phủ cần xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để xây dựng các hồ chứa, kênh rạch lớn nhằm phục vụ cho việc phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, cần quan tâm hỗ trợ chính sách đặc thù cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Việc bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng không nên ỷ lại
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành đang tập trung hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 156 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 01/2019 về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, dự thảo nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương.
Phó Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao cảnh giác trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Công an các tỉnh cần kịp thời tham mưu cho lãnh đạo địa phương có kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân chủ động và nêu cao tinh thần bảo vệ rừng, giảm thiểu các thiệt hại cháy rừng có thể xảy ra.
"Việc quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ cốt lõi của các địa phương, không nên ỷ lại. Đặc biệt là khi thời tiết đang diễn biến phức tạp. Người đứng đầu phải nâng cao trách nhiệm và chịu trách nhiệm nếu xảy ra vi phạm quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác đã thăm và kiểm tra về công tác quản lý, bảo vệ phòng, chống cháy rừng tại huyện Sa Thầy, Kon Tum.
Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray, báo cáo: "Đơn vị đang được giao quản lý hơn 60.000ha, với tổng số viên chức, người lao động là 94 người, trong đó lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng là 71 người".
Thời gian qua, đơn vị đã áp dụng công nghệ vào hoạt động tuần tra, kiểm tra, theo dõi diễn biến rừng. Đồng thời, phân công lực lượng trực phòng cháy, chữa cháy rừng khép kín các địa bàn đảm bảo 24/24h, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết.
Từ năm 2020 đến nay, lâm phần quản lý của Vườn quốc gia Chư Mo Ray không để xảy ra vi phạm lâm luật và các vụ cháy rừng.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương công tác phòng, chống cháy rừng của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray những năm qua. Chỉ hơn 71 biên chế, cán bộ quản lý, bảo vệ rừng nhưng trong nhiều năm không để xảy ra cháy rừng. Bên cạnh đó, Vườn đã ứng dụng khoa học, công nghệ để kiểm soát, phát hiện sớm cháy rừng.
Dịp này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại Di tích lịch sử Điểm cao 995 - Chư Tan Kra (xã Ya Xier, huyện Sa Thầy). Đây là nơi ghi danh hơn 200 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu trên Điểm cao 995 - Chư Tan Kra vào ngày 26/3/1968, đa số đều là những người lính sinh ra tại Thủ đô Hà Nội.
Nguồn: Báo Dân Việt.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn