Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát chặt chẽ hơn. Đa số diện tích đất lâm nghiệp mới bị lấn chiếm đã được giải tỏa, thu hồi và bàn giao cho các đơn vị chủ rừng để xây dựng kế hoạch trồng lại rừng. Các chỉ tiêu về số vụ vi phạm, khối lượng lâm sản thiệt hại, diện tích rừng bị phá, số vụ vi phạm phức tạp, nổi cộm đều giảm so với cùng kỳ năm 2023.
Các lực lượng tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng |
Hiện nay, tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng trên 537 ngàn ha, được phân bố tại 845 tiểu khu thuộc 125 xã/phường/thị trấn trên địa bàn 12 huyện/thành phố. Trong đó, diện tích đất có rừng tính tỷ lệ che phủ rừng trên 533 ngàn ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2023 đạt 54,37%. Toàn tỉnh có 27 đơn vị chủ rừng nhà nước. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 278 doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để triển khai thực hiện dự án với tổng diện tích trên 50 ngàn ha, trong đó có 249/278 doanh nghiệp được thuê rừng với diện tích gần 22 ngàn ha.
Theo ông Nguyễn Hà Lộc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trong 4 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh phát hiện 47 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó 37 vụ đã xác định được đối tượng vi phạm và 10 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm. Diện tích thiệt hại do phá rừng 2,67 ha; khối lượng lâm sản thiệt hại 95,64 m3 gỗ các loại và 5.542 cây lồ ô; tang vật vi phạm gồm 37,3 m3 gỗ tròn và 20 cá thể động vật rừng cân nặng 48,2 kg. Hiện đã xử lý 34 vụ vi phạm gồm 28 vụ xử lý hành chính và chuyển xử lý hình sự 6 vụ; tịch thu 80,2 m3 gỗ tròn/gỗ xẻ các loại; thu nộp ngân sách hơn 259 triệu đồng. Trong 47 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp từ đầu năm đến nay, có 3 vụ vi phạm phức tạp nổi cộm, trong đó trên địa bàn huyện Đam Rông xảy ra 2 vụ, huyện Lạc Dương 1 vụ. So sánh với cùng kỳ năm 2023, số vụ vi phạm giảm 25 vụ (giảm 35%); diện tích thiệt hại do phá rừng giảm 6,48 ha (giảm 71%), lâm sản thiệt hại giảm 473,2 m3 (giảm 83%), số vụ việc có tính chất phức tạp, nổi cộm giảm 4 vụ (giảm 57,1%).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang giao khoán bảo vệ rừng theo nguồn vốn ngân sách tỉnh tại 2 huyện Đơn Dương và Di Linh với tổng diện tích trên 57.600 ha cho 1.342 hộ gia đình và 14 đơn vị tập thể. Trong đó, tại huyện Đơn Dương diện tích giao khoán 11.479,16 ha/308 hộ gia đình và 5 đơn vị tập thể; chủ rừng là Ban Quản lý Rừng phòng hộ D’ran và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương; tại huyện Di Linh diện tích giao khoán 46.192,49 ha/1.034 hộ gia đình và 9 đơn vị tập thể, chủ rừng là các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp: Bảo Thuận, Di Linh và Tam Hiệp. Đối với giao khoán bảo vệ rừng từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng năm 2024, hiện nay các đơn vị chủ rừng đang kiểm tra, rà soát, đối chiếu số liệu và bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2023.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp được đẩy mạnh, nhất là đối với lực lượng quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR). Từ đầu năm đến nay đã tổ chức 281 cuộc tuyên truyền, giáo dục pháp luật với trên 11 ngàn lượt người tham gia, ký được 526 bản cam kết bảo vệ rừng.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác QLBVR tuy đã có nhiều cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành nhưng các vụ vi phạm chưa xác định được đối tượng còn chiếm tỷ lệ khá cao. Có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, cơ chế, chính sách, quy định trong công tác QLBVR còn chồng chéo, chưa rõ ràng, tạo kẽ hở cho các đối tượng xấu lợi dụng phá rừng; lực lượng bảo vệ rừng mỏng, thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác QLBVR, chế độ đãi ngộ thấp trong khi áp lực công việc ngày càng lớn nên một số cán bộ thực hiện công tác QLBVR chưa thực sự an tâm, nhiệt huyết công tác, hiệu quả thực thi nhiệm vụ chưa cao… Đặc biệt thủ đoạn thực hiện hành vi phá rừng của các đối tượng ngày càng tinh vi như ken, khoan cây đổ hóa chất, hậu quả chỉ biểu hiện sau một thời gian dài gây khó khăn cho công tác điều tra truy tìm đối tượng vi phạm để xử lý…
Bên cạnh đó, một số địa phương, nhất là cấp cơ sở chưa quan tâm đúng mức, thiếu sâu sát trong thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo quy định; các đơn vị chủ rừng còn bị động trong công tác tuần tra, QLBVR, chưa sử dụng hiệu quả lực lượng nhận khoán QLBVR trong công tác tuần tra kiểm tra rừng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm; các địa phương, đơn vị chủ rừng chưa quyết liệt trong việc giải tỏa, thu hồi diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm…
“Để tăng cường hơn nữa công tác QLBVR trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền liên quan công tác lâm nghiệp. Đồng thời tiếp tục rà soát củng cố, kiện toàn lại tổ chức, bộ máy và hoạt động của lực lượng kiểm lâm, nâng cao trách nhiệm, năng lực, trình độ chuyên môn đối với công chức kiểm lâm; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý và có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm. Đặc biệt tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ diện tích rừng hiện có, quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; tăng cường công tác QLBVR và phòng cháy, chữa cháy rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; tập trung rà soát, xử lý các vụ phá rừng… Phấn đấu trong năm 2024 giảm 20% trở lên về diện tích rừng và khối lượng lâm sản thiệt hại so với năm 2023; phối hợp giải tỏa và trồng lại rừng trên toàn bộ diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm mới; số vụ không phát hiện đối tượng vi phạm giảm dưới 15%; tiếp tục đôn đốc chủ rừng trồng rừng để tăng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh…”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hà Lộc cho hay.
Nguồn: Báo Lâm Đồng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn