Đường dây nóng tố giác tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (Số Hotline): 0899 546 547

Tây Bắc, Tây nguyên còn nhiều dư địa phát triển rừng trồng gỗ lớn

Thứ tư - 06/12/2023 22:17

Việt Nam từ một nước phải nhập khẩu gỗ về chế biến thì nay đã gần như tự chủ được đến 75% gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến. Hiện, nhiều địa phương ở khu vực Tây Bắc, Tây nguyên còn quỹ đất lớn, dư địa để phát triển rừng trồng gỗ lớn.

Một trong 10 quốc gia có diện tích rừng trồng lớn nhất

Theo ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), những năm qua, ngành lâm nghiệp đã có những đóng góp vô cùng quan trọng với mục tiêu chung là phát huy chức năng phòng hộ của rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia; cùng với đó đã chủ động, tích cực tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu.
 

Không những thế, ngành lâm nghiệp còn góp phần tạo sinh kế, thu nhập ổn định cho người dân. Đến nay, ước tính có khoảng 25 triệu người, với trên 12 triệu là đồng bào dân tộc thiểu số đang sống gần rừng, hàng ngày thực hiện hoạt động hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ rừng.

Ngoài ra, hoạt động lâm nghiệp còn được thực hiện tại các khu công nghiệp chế biến lâm sản, các làng nghề sử dụng các nguyên liệu từ rừng để chế biến lâm sản. Đây là ngành kinh tế kỹ thuật cung cấp nguyên liệu đầu vào rất quan trọng cho chế biến, xuất khẩu gỗ, tạo ra giá trị gia tăng trong thời gian qua.

Năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 17,09 tỉ USD, xuất siêu đạt 14,07 tỉ USD. 11 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt khoảng 12,97 tỉ USD, xuất siêu 10,98 tỉ USD. "Những con số này cho thấy những đóng góp quan trọng của ngành lâm nghiệp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo sinh kế của người dân, cũng như bảo vệ môi trường", ông Bảo nói.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp chia sẻ thêm: theo thống kê, diện tích rừng hiện có của cả nước là 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng hiện nay đạt 42,02%. Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) về đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu, trong khi diện tích rừng trên thế giới suy giảm mạnh, diện tích rừng trồng thấp, thì Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới có diện tích rừng tăng cao nhất, có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới.

Trong giai đoạn tới, theo định hướng của Bộ NN-PTNT, ngành lâm nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu, kiến nghị các giải pháp để xã hội hóa thu hút các nguồn lực tham gia trồng rừng, bởi dư địa phát triển vẫn còn rất lớn.

Kiến nghị Nhà nước tăng đầu tư hạ tầng lâm nghiệp

Ông Trần Quang Bảo thông tin thêm, trong tổng số 14,79 triệu ha rừng hiện có, thực hiện luật Lâm nghiệp, chủ trương của Đảng, Quốc hội về việc đóng cửa rừng tự nhiên, có nghĩa là không khai thác gỗ từ rừng tự nhiên ít nhất từ nay đến năm 2030, ít nhất 7 triệu ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt để đảm bảo giữ gìn môi trường sinh thái, phòng tránh thiên tai.

Tây Bắc, Tây nguyên còn dư địa phát triển rừng trồng gỗ lớn - Ảnh 2.

Dư địa để sản xuất lâm nghiệp đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ nằm ở khoảng 4 triệu ha rừng trồng

ĐAN THANH

Trong 8 triệu ha còn lại, có khoảng 4 triệu ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên cũng đang đóng cửa để phục hồi. Dư địa để sản xuất lâm nghiệp đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ nằm ở khoảng 4 triệu ha rừng trồng.

Nhấn mạnh Việt Nam từ một nước phải nhập khẩu gỗ về chế biến thì nay đã gần như tự chủ được đến 75% gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến của các doanh nghiệp trong nước, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho rằng, thành tựu này có được là nhờ công tác giống lâm nghiệp ngày càng được cải tiến. Việt Nam hiện là nước hàng đầu về sản xuất giống keo lai.

"Theo đánh giá của chúng tôi, nhiều địa phương ở khu vực Tây Bắc, Tây nguyên còn quỹ đất lớn, dư địa để phát triển rừng trồng gỗ lớn. Tuy nhiên, có một thực tế là hạ tầng lâm nghiệp ở những vùng này còn hạn chế, việc vận chuyển từ vùng nguyên liệu đến nhà máy chế biến còn khó khăn đã đẩy chi phí, giá thành lên quá cao", ông Bảo nói.
 

Do vậy, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp kiến nghị Nhà nước dành nhiều quan tâm đến đầu tư hạ tầng lâm nghiệp, rút ngắn khoảng cách từ nhà máy đến vùng nguyên liệu, phát triển các khu chế biến lâm sản quy mô lớn, công nghệ cao. Trong định hướng quy hoạch phát triển lâm nghiệp quốc gia đều đặt ra mục tiêu hình thành các khu lâm nghiệp công nghệ cao, khu chế biến để tạo động lực cho người dân trồng, phát triển và bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, cần tạo thúc đẩy vùng nguyên liệu, tạo động lực cho người dân bằng những chính sách ưu đãi phát triển trồng rừng gỗ lớn; tăng định mức đầu tư phát triển, bảo vệ rừng để đảm bảo người dân có cơ hội nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế từ rừng.

Nguồn: Báo Thanh niên.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điểm Cháy Từ Vệ Tinh
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Dự Án Giám Sát TMR
Dự Án Giám Sát TNR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây