Rừng núi bạt ngàn nhưng định biên có hạn, để quán xuyến hiệu quả nguồn tài nguyên màu mỡ đòi hỏi ngành lâm nghiệp tỉnh Nghệ An phải tập trung cải cách hành chính.
Với trên 1,16 triệu ha được quy hoạch, Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước. Qua phân loại, các chủ rừng là tổ chức được giao quản lý 55% (chủ yếu là diện tích quy hoạch rừng phòng hộ và đặc dụng); hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, UBND các xã quản lý 45% còn lại (chủ yếu là diện tích quy hoạch rừng sản xuất).
Tuy là địa phương có nhiều rừng nhưng lực lượng kiểm lâm và chuyên trách bảo vệ rừng đang thiếu hụt trầm trọng, đó là một nghịch lý chưa có lời giải. Trong giai đoạn 2016-2022, lực lượng kiểm lâm đã tinh giảm biên chế 13,3% so với chỉ tiêu được giao, kéo theo vô vàn khó khăn trong việc bố trí con người, đặc biệt là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi địa hình hiểm trở, chia cắt. Vì thiếu hụt quân số nên mỗi kiểm lâm địa bàn phải phụ trách 2 - 3 xã với diện tích lên đến hàng chục ngàn ha.
Lực lượng quản lý bảo vệ rừng của các chủ rừng cũng mỏng so với nhu cầu thực tiễn, đã thế chế độ chính sách lại không tương xứng với vai trò, nhiệm vụ được giao. Thực trạng khó khăn kéo dài khiến nhiều người buông xuôi, dần dà dẫn đến bỏ việc hàng loạt.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, đồng thời từng bước giảm tải áp lực cho toàn ngành, nhất thiết phải tiến tới chuyển đổi số, phải làm “cách mạng” trong công tác cải cách hành chính. Với vai trò đầu tàu, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã mạnh dạn đi “tiên phong”.
Bám sát Kế hoạch số 3265/KH-SNN ngày 15/9/2022 của Sở NN-PTNT, Đảng ủy, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tích cực thực hiện chuyển đổi số đảm bảo phù hợp với kế hoạch của toàn ngành đặt ra, theo đúng định hướng chiến lược của Trung ương và tỉnh Nghệ An. Từng bước tạo chuyển biến mạnh mẽ về hoạt động cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp số.
Để sớm cụ thể hóa mục tiêu trên, Chi cục thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức để người lao động hiểu rõ mục đích và tính chất cấp thiết của chủ trương. Xác định phát triển hạ tầng số là nhiệm vụ cốt lõi với nhiều đầu mục khó nhằn, đòi hỏi phải khẩn trương tiếp cận và tận dụng thời cơ.
Trên cơ sở nguồn kinh phí mua sắm được phê duyệt, Chi cục đã tiến hành rà soát, nâng cấp, sửa chữa, bổ sung cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho các phòng chuyên môn, đảm bảo 100% cán bộ, người lao động, các đơn vị trực thuộc, các đội trạm đều có máy tính làm việc và được kết nối mạng LAN, Internet băng thông rộng.
Bên cạnh đó đã tiếp tục nâng cấp, mở rộng hệ thống hội nghị trực tuyến của đơn vị, đảm bảo kết nối nội bộ thông suốt, đồng thời kết nối đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu trong ngành, qua đó kịp thời cập nhật, liên thông các cơ sở dữ liệu quốc gia theo lộ trình của các cấp, bộ, ngành Trung ương.
Quá trình thực hiện, Chi cục Kiểm lâm cũng chủ động phối hợp cùng bộ phận VNPT, IT của Sở NN-PTNT Nghệ An tổ chức tập huấn triển khai nhiều nội dung quan trọng (phần mềm báo cáo tháng, mã định danh điện tử, hướng dẫn sử dụng I-office và chữ kỹ số). Chỉ sau 1 thời gian ngắn tình hình đã có những chuyển biến tích cực, từ lãnh đạo Chi cục đến các đơn vị trực thuộc, các đội kiểm lâm cơ động, trạm kiểm lâm địa bàn và các cá nhân đa phần đã sử dụng thành thạo các thao tác đơn thuần, chưa kể một số đơn vị đã áp dụng chữ ký số.
Tập trung xuyên suốt từ trên xuống dưới, nên khái niệm “cải cách hành chính” không còn xa lạ với các cơ sở đầu mối. Đơn cử như Hạt Kiểm lâm Tương Dương, đơn vị này có tổng cộng 23 công chức, nếu không tính bộ phận lãnh đạo và văn phòng chỉ còn lại 17 kiểm lâm chốt chặn địa bàn, thực sự rất khó quán xuyến 17 xã, thị trấn vùng cao, chưa kể nhiều yếu tố phức tạp, nhạy cảm đan xen.
Giữa muôn vàn áp lực, Hạt Kiểm lâm Tương Dương xác định phải đẩy mạnh công nghệ thông tin thiên hướng chuyển đổi số nhằm ứng dụng hiệu quả vào hoạt động quản lý chuyên môn và hành chính. Thực tế cho thấy, hiện tại 100% văn bản của đơn vị được ký số và ban hành qua hệ thống I-office.
Ngoài ra, đơn vị còn ứng dụng công nghệ đường truyền online để tổ chức một số cuộc sinh hoạt định kỳ của Chi bộ và họp chuyên môn định kỳ hàng tháng, thông qua phần mềm Zoom, hoặc hệ thống Google Meet nhằm giảm tải gánh nặng đi lại cho bộ phận kiểm lâm địa bàn phụ trách vùng sâu vùng xa, vừa nâng cao hiệu quả công việc lại tiết kiệm được chi phí liên quan.
Hạt Kiểm lâm Tương Dương còn hiện đại hóa trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng khi ứng dụng thành thạo các phần mềm quản lý bản đồ (MapInfo, Qgis, Vtools for survey…) và kết nối hiệu quả với hệ thống ảnh vệ tinh viễn thám Sentinel-2, Planet, Google Earth… để thực hiện chi trả tiền cung ứng DVMTR và các chính sách quá trọng khác đến người dân. Đặc biệt hơn nữa là sớm phát hiện, cảnh báo các điểm mất rừng, thay đổi diễn biến rừng để đưa ra phương án xử lý kịp thời nhất.
Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ công chức, viên chức nỗ lực nâng cao trình độ công nghệ thông tin, thông qua những nội dung đặc biệt quan trọng (theo dõi diễn biến rừng qua ảnh vệ tinh để phát hiện sớm; phần mềm theo dõi thống kê vi phạm lâm luật, phần mềm theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, phần mềm báo cáo tháng liên thông, phát triển Google Drive, phần mềm theo dõi công chức viên chức và người lao động, phần mềm cảnh báo cháy rừng…) để sớm hòa vào nhịp đập công nghệ số, công nghệ 4.0.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn