Bất cập trong xử lý việc chậm nộp tiền trồng rừng thay thế
Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển đổi rừng sang mục đích khác có thể được xem là sự bổ sung, bù đắp kịp thời cho diện tích rừng bị mất do chuyển đổi mục đích, đảm bảo giữ ổn định môi trường sinh thái, duy trì diện tích và độ che phủ của rừng.
Theo quy định tại Thông tư số 23/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, việc trồng rừng thay thế được thực hiện dưới 02 hình thức gồm: Chủ đầu tư tự trồng hoặc Chủ đầu tư không tự trồng rừng thay thế (Chủ đầu tư nộp tiền trồng rừng thay thế để thực hiện trồng rừng thay thế theo quy định).
Nhìn chung, 02 hình thức thực hiện trên đều hướng đến mục tiêu chung là trồng lại rừng để bổ sung, bù đắp vào diện tích rừng đã bị mất do chuyển đổi mục đích. Pháp luật quy định 02 hình thức thực hiện, nhưng chế tài xử lý chỉ quy định đối với việc chậm trồng rừng thay thế, không quy định việc chậm nộp tiền trồng rừng thay thế; bất cập này đã tồn tại từ lâu, tuy nhiên đến nay (Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 24/04/2019 của Chính phủ có hiệu lực thi hành) vẫn chưa được xem xét, đưa ra chế tài để xử lý. Theo quy định hiện hành, việc chậm trồng rừng thay thế sẽ bị áp dụng hình thức, mức xử phạt theo quy định tại Điều 15, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 24/04/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp; nhưng việc chậm nộp tiền trồng rừng thay thế lại không quy định chế tài để xử lý.
Pháp luật không quy định chế tài xử lý đối với hành vi chậm nộp tiền trồng rừng thay thế sẽ tạo tiền lệ xấu, tạo kẽ hở để các tổ chức, cá nhân lợi dụng, chây ì không chấp hành việc nộp tiền trồng rừng thay thế mà không bị xử phạt; trong khi nếu tổ chức, cá nhân lựa chọn hình thức trồng rừng thay thế mà không chấp hành sẽ bị xử phạt theo quy định. Bất cập này cần được xem xét, chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế./.
Phòng SD&PTR – Chi cục Kiểm lâm