Từ ý tưởng đưa cây dược liệu từ rừng về nhà, anh Nguyễn Huy Minh ở thôn Nhân Hòa, xã Đan Phượng, Lâm Hà đã tự đầu tư nghiên cứu và đưa thành công cây trà dây rừng (Ampelopsis cantoniensis) về trồng ở vườn nhà.
|
Anh Minh bên vườn ươm trà dây rừng. Ảnh: N.V.D |
Cây trà dây rừng là loại cây dược liệu thân leo mọc tự nhiên trong rừng. Ở Lâm Đồng, cây phân bố tự nhiên trong rừng ở huyện Đơn Dương, Đam Rông, Bảo Lâm… Cây dùng chữa bệnh viêm loét dạ dày…
Anh Minh (sinh năm 1983) vốn là cựu sinh viên Khoa Sinh, Trường Đại học Đà Lạt, từng có một thời gian làm việc ở Trung tâm cây thuốc Đà Lạt, chính vì vậy anh có một số hiểu biết về cây thuốc. Trước đây, anh đã tìm mua trà dây về chữa bệnh đau dạ dày cho mẹ, vì thế anh Minh mới biết về cây trà dây rừng. Qua thông tin, anh biết ở rừng thuộc xã Phi Liêng - Đam Rông có cây trà dây; anh đã đi rừng ba ngày để tìm kiếm loài cây này. Khi đã xác định đúng là cây trà dây, anh lại tiếp tục vào rừng để lấy giống về để nhân giống, anh áp dụng nhân giống bằng phương pháp giâm hom. Ban đầu, tỷ lệ ra rễ rất thấp 3/1.000 hom; sau hơn ba tháng nghiên cứu anh đã nhân giống thành công với tỷ lệ cây sống cao từ 80-85%. Khi đã có cây giống, tháng 2/2016 anh đã dành một phần quỹ đất khoảng 1.000 m2 của gia đình để chuyển đổi qua trồng trà dây với số lượng khoảng 2.000 cây. Để thuận lợi trong quá trình chăm sóc, anh đã áp dụng kỹ thuật phủ bạt nilon, làm hệ thống tưới tiết kiệm. Sau 6 tháng trồng, bắt đầu có thu hoạch những lứa trà đầu tiên. Sau khi thu hoạch trà, anh tiếp tục nghiên cứu cách chế biến để có sản phẩm trà khô và đi chào hàng, tìm thị trường cho sản phẩm của mình. Với phương châm: “Sản phẩm sạch sẽ được thị trường chấp nhận”, anh đã trồng trà theo hướng sạch hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, anh đã có chi nhánh bán hàng ở Đà Lạt, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, anh đã hướng dẫn kỹ thuật trồng trà dây cho một số hộ và thu mua sản phẩm trà tươi của họ về chế biến mới đủ cung cấp trà khô cho bạn hàng.
Anh Minh cho biết, cây trà dây rừng dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh hại, trồng một lần thu hoạch trong nhiều năm, trồng sáu tháng cây bắt đầu cho thu hoạch, hai tháng thu hoạch một lần. Ngoài trồng thuần, anh còn trồng thử nghiệm cây trà dây xen trong vườn cà phê theo mô hình canh tác sinh thái. Vào mùa khô, để đảm bảo năng suất anh đã tưới nước thường xuyên. Sản lượng anh sản xuất khoảng 1.5 tấn trà khô/năm, với giá bình quân 80.000 đồng/kg trà khô, sau khi trừ chi phí anh thu được 120 triệu đồng/1.000 m2/năm. Sản phẩm trà của anh sản xuất khép kín từ khâu giống, trồng, chế biến, tiêu thụ nên giá rất cạnh tranh. Ngoài sản phẩm trà, anh còn nhân giống để bán cho người dân, anh đã xuất khoảng 3.000 cây giống với giá 15.000 đồng/cây, đây cũng là một nguồn thu không nhỏ đối với gia đình. Ngoài ra, anh còn trồng thêm các loại cây rau rừng khác như rau bò khai (dây hương), rau lủi (bầu đất); đối với cây rau lủi anh cũng tự nghiên cứu nhân giống.
Qua trao đổi, tôi thật sự khâm phục tinh thần tự học hỏi nghiên cứu của anh Minh; với tinh thần làm việc khoa học anh đã nhân giống và trồng thành công cây trà dây rừng ở vườn nhà. Từ mô hình mới trồng cây trà dây rừng hiệu quả; thiết nghĩ đây cũng là mô hình góp phần bảo tồn giống cây dược liệu nói chung, cây trà dây rừng nói riêng, nếu được chuyển giao cho người dân trồng dưới tán rừng, sẽ tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, giảm tác động vào rừng, góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ rừng bền vững, vừa nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư sống gần rừng về việc bảo vệ, phát triển cây dược liệu.