Ngày 05 tháng 12 năm 2019, Chi cục Kiểm lâm nhận tiếp nhận nguồn tin của Hạt Kiểm lâm thành phố Bảo Lộc về việc xuất hiện 02 động vật hoang dã quý, hiếm là loài Báo tại xã Lộc Nga.
Qua theo dõi của Chi cục Kiểm lâm, có khả năng 02 cá thể Báo này cùng đàn với 03 cá thể Báo hoa mai đã xuất hiện tại địa bàn xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai cũng vào thời điểm tháng 12 năm 2012. Chi cục Kiểm lâm đã điều tra hiện trường vào tháng 12/2012, tại xã Đạ Oai, thôn 1, 2 còn lưu lại nhiều dấu vết chân thú; dấu chân gồm một đệm chân và 4 ngón, một số dấu chân còn có vết móng vuốt; các dấu chân thú có kích thước khác nhau, loại nhỏ có chiều ngang đệm chân 2-3cm, loại lớn có chiều ngang đệm chân từ 4-6,2cm. Theo thông tin từ người dân huyện Đạ Hoai vào thời điểm tháng 12 năm 2012, họ đã gặp 03 cá thể (gồm 02 cá thể lớn và 01 cá thể nhỏ) có lông nền màu vàng với các vằn (đốm) màu đen, đầu giống loài Mèo; 2 cá thể lớn có chiều cao khoảng 80cm, 01 cá thể nhỏ có chiều cao khoảng 30cm, trong đó có 01 cá thể đang bị thương ở chân. Chi cục Kiểm lâm đã tìm hiểu thông tin từ các người dân đã nhìn thấy 03 cá thể thú nêu trên và in hình ảnh nhận dạng có liên quan đến các loài thú họ mèo (gồm: Mèo rừng, Báo gấm, Báo hoa mai, Báo lửa và Hổ) các hộ dân đã xác nhận 03 cá thể thú này có hình dạng giống loài Báo hoa mai (
Panthera pardus) là động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, thuộc nhóm IB- Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính Phủ và thuộc Phụ lục I
– Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ.
Chi cục Kiểm lâm đã giao cho các Hạt Kiểm lâm thuộc khu vực xuất hiện loài Báo hoa mai khẩn trương thực hiện các giải pháp sau:
Một là chủ động phối hợp với UBND các xã tổ chức thông báo cho các hộ dân sinh sống và sản xuất nương rẫy gần rừng biết thông tin về 02 cá thể Báo xuất hiện tại địa phương để người dân cảnh giác và tự chủ động bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản; thực hiện giải pháp xua đuổi nếu 02 cá thể báo xuất hiện trong vườn, rẫy của các hộ dân.
Hai là tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã và nắm biết các quy định của pháp luật. Tại Điều 8, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính Phủ quy định về việc xử lý trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm xâm hại hoặc đe dọa tính mạng, tài sản của con người:
“Trong trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đe dọa xâm hại nghiêm trọng tài sản hoặc tính mạng con người; tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp xua đuổi, hạn chế gây tổn thương đến động vật, đồng thời thông tin ngay với cơ quan Kiểm lâm hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cấp huyện nơi gần nhất; Trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đe dọa tấn công trực tiếp đến tính mạng con người ở ngoài các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, sau khi đã áp dụng các biện pháp xua đuổi nhưng không có hiệu quả, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định và chỉ đạo việc bẫy, bắt, bắn cá thể động vật đó”.
Ba là tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng săn bắn, bẫy bắt trái phép động vật hoang dã trên địa bàn; Tiếp tục cử cán bộ theo dõi để xác định chính xác loài động vật rừng; tích cực thu thập các thông tin để làm rõ quy luật hoạt động của các cá thể thú nêu đồng thời thường xuyên thông tin báo cáo kịp thời về Chi cục Kiểm lâm tỉnh./.
Phòng QLBVR