Đường dây nóng tố giác tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (Số Hotline): 0899 546 547

BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN LANGBIANG - TỪ LÝ LUẬN ĐẾN THỰC TIỄN

Thứ tư - 22/08/2018 11:11
BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN LANGBIANG - TỪ LÝ LUẬN ĐẾN THỰC TIỄN
Từ lí luận đến thực tiễn

Tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, xã Ðạ Nhim, huyện Lạc Dương, hội thảo đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu xây dựng cơ chế kết hợp giữa bảo tồn cảnh quan-đa dạng sinh học và không gian văn hóa tại Khu Dự trữ Sinh quyển (KDTSQ) Langbiang” vừa kết thúc. Nhiều nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý trong nước phân tích, nhưng từ lí luận đến thực tiễn vẫn còn những khoảng cách không nhỏ, rất cần tiếp tục nghiên cứu và hành động quyết liệt của các cấp và nhiều bên liên quan. 
 
Nhiều nhà khoa học và nhà quản lý đặc biệt quan tâm đến KDTSQ thế giới Langbiang. Ảnh: M.Đ
Nhiều nhà khoa học và nhà quản lý đặc biệt quan tâm đến KDTSQ thế giới Langbiang. Ảnh: M.Đ

Từ lí thuyết của vấn đề
 
KDTSQ thế giới Langbiang là một trong 9 KDTSQ của Việt Nam, tuy mới được công nhận sau (năm 2015), nhưng đáng ghi nhận là tỉnh Lâm Đồng và Ban Quản lý (BQL) đã tích cực triển khai thực hiện được một số thành công trong định hướng bảo tồn cho phát triển, phát triển để bảo tồn. Cũng như các KDTSQ khác, bài toán khó đã và còn tiếp tục đặt ra là làm thế nào để KDTSQ ngày càng xứng tầm của nó, không chỉ của một quốc gia mà cả khu vực và thế giới. Câu chuyện phát huy những giá trị lớn lao của tài nguyên thiên nhiên, đồng thời tạo môi trường để KDTSQ phát triển ngày càng bền vững vẫn nan giải. Xuất phát từ thực tiễn này, từ tháng 12/2015, đề tài cấp nhà nước nêu ở đầu bài do Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quản quản lý, Viện Sinh thái học miền Nam chủ trì, phối hợp cùng một số trường đại học, Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà thực hiện nghiên cứu, và kết thúc vào tháng 11/2018.
 
Chủ nhiệm đề tài, TS Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam cho biết về những mục tiêu cụ thể mà nhóm tác giả đặt ra là: Xác định được những đặc trưng, giá trị, thực trạng bảo tồn cảnh quan-đa dạng sinh học (CQ-ĐDSH) và không gian văn hóa (KGVH) tại KDTSQ Lang biang; Xác định những bất cập của các cơ chế kết hợp bảo tồn CQ-ĐDSH và KGVH tại KDTSQ Langbiang; Xây dựng cơ chế kết hợp bảo tồn CQ-ĐDSH và KGVH; Đề xuất được một số giải pháp về cơ chế kết hợp và thử nghiệm cơ chế này.
 
Những mục tiêu nhóm đề tài hướng đến như trên là hết sức trân trọng và có ý nghĩa. Nhưng, chúng tôi cũng nêu ngay với TS Vũ Ngọc Long rằng, phạm vi nghiên cứu của đề tài liệu có quá rộng; và mục đích tối thượng chính là hiện thực hóa được trong thực tiễn. Điều cần hơn cả để đề tài áp dụng hiệu quả vào hiện thực chính là ở chỗ, lượng hóa được những nội dung của cơ chế kết hợp, vừa khoa học vừa đạt khả thi. Nhóm nghiên cứu cũng xác định đây là nội dung trọng tâm của đề tài. Trao đổi bên lề hội thảo, nghiên cứu sinh Lương Văn Dũng - Phó Chủ nhiệm Khoa Sinh, Trường Đại học Đà Lạt và ThS Đỗ Minh Ngọc - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng đều có chung nhận xét phạm vi đề tài quá rộng; vấn đề mong đợi là nhóm tác giả đề ra được hệ thống cơ chế phối hợp và cho rằng đề tài “xác định những bất cập của cơ chế kết hợp” khi chưa đề ra hệ thống cơ chế là thiếu logic…    
 
Ðến thực tiễn triển khai
 
Vì khuôn khổ và tính chất của bài báo này, chúng tôi chỉ nêu một vài nội dung TS Long trình bày. Trước hết, điểm tựa để khai triển về cơ chế là cách tiếp cận của Ủy ban quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam) là rất hợp lý. Đó là cách tiếp cận tư duy hệ thống-quy hoạch cảnh quan-điều phối liên ngành và kinh tế chất lượng (SLIQ) áp dụng trong việc thiết kế, thành lập và quản lý bền vững các KDTSQ tại Việt Nam (khởi xướng năm 2009). Đây cũng là cách tiếp cận được dựa trên nguyên lý cơ bản “bảo tồn cho phát triển và phát triển cho bảo tồn”. Đối với KDTSQ Langbiang, cũng theo hướng này, tỉnh Lâm Đồng đã quyết định thành lập BQL (Quyết định 1164/QĐ-UBND ngày 3/6/2016) với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, kinh phí hoạt động. BQL do cấp tỉnh điều phối tất cả các hoạt động, trong đó Trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà là Phó ban Thường trực, các ủy viên kiêm nhiệm gồm nhiều đại diện lãnh đạo ban, ngành cấp tỉnh và địa phương UBND cấp huyện. Vậy vấn đề cho thấy, không thể nói là không đủ sức mạnh về mặt quản lý nhà nước trong phối hợp, kết hợp của các ban, ngành và địa phương. Và rõ ràng nếu đại diện lãnh đạo các ban, ngành, địa phương là ủy viên BQL thiếu nhiệt tình, không tâm huyết, quan niệm chỉ là việc kiêm nhiệm theo kiểu cho đủ thành phần thì dĩ nhiên mọi cơ chế kết hợp mà đề tài mong muốn đều thất bại. 
 
Bản thân đề tài cũng chỉ đưa ra những vấn đề chung của cơ chế như phương pháp xây dựng, dẫn chứng một số bài học kinh nghiệm từ các KDTSQ; nội dung cơ chế… Theo đó, nhóm đề tài đặt ra mục tiêu đến năm 2021 là giai đoạn thử nghiệm và từ năm 2021 là giai đoạn phát triển. Như đã phản ánh, trong thực tế trước đó, KDTSQ thế giới Langbiang đã và đang triển khai những nội dung mà chính đề tài đã đặt ra. Trước hết, đó là sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng. Đó là áp dụng các biện pháp và giải pháp để vừa bảo tồn vừa phát triển KDTSQ thông qua nâng cao sinh kế cho người dân trong vùng lõi và vùng đệm như giao khoán quản lý bảo vệ rừng, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; tổ chức hỗ trợ các hộ dân bản địa sản xuất và giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của họ; tổ chức các tuyến du lịch sinh thái; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng… Đó còn là hợp tác khoa học với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; huy động và sử dụng lồng ghép các nguồn lực… Những thực tế này đã được nhiều đại biểu khẳng định (ông Lê Văn Hương - Phó Thường trực BQL KDTSQ Langbiang; ông Sử Thanh Hoài - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương; bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng…). Dĩ nhiên, vẫn chỉ là những bước đi ban đầu, cần nhiều đúc kết và phối kết hợp rất nhiều từ nhân lực đến nguồn lực.  
 
Nhiều ý kiến có ý nghĩa khác đến từ các chuyên gia cũng bàn sâu hơn đến những vấn đề của đề tài đặt ra và cả chưa đặt ra. Đó là cấu trúc đề tài và sự cùng tham gia phân tích, đánh giá của các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực và các nhà quản lý đối với đề tài mới thực thi hiệu quả (Tổng Thư ký MAB Việt Nam); tính quan trọng và tiên quyết của vấn đề giải quyết sinh kế đối với các hộ dân trong và gần KDTSQ (Giám đốc KDTSQ Đồng Nai). Đó còn là sự tham gia của cộng đồng như thế nào sau khi đề tài được nghiệm thu (đại diện Ủy ban UNESCO Việt Nam); bổ sung tính liên minh dòng họ và cần làm tròn khái niệm “cơ chế” là gì (Phó BQL KDTSQ Langbiang); tính hiện thực hóa về pháp lý chung của mọi KDTSQ ở Việt Nam về cơ chế liên ngành (lãnh đạo KDTSQ miền Tây Nghệ An, lãnh đạo KDTSQ Rừng ngập mặn Cần Giờ)…

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng - Minh Đạo

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điểm Cháy Từ Vệ Tinh
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Dự Án Giám Sát TMR
Dự Án Giám Sát TNR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây