Dự báo cấp cháy rừng ngày 14/01/2025 (Cấp II gồm: Thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, huyện Đam Rông - Cấp IV gồm: huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh,  Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc - Cấp V gồm: huyện Đạ Huoai)

Công tác trồng cây làm theo lời Bác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2019

Thứ sáu - 06/12/2019 10:20
Công tác trồng cây làm theo lời Bác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2019

CÔNG TÁC TRỒNG CÂY LÀM THEO LỜI BÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG NĂM 2019

       Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã phát động “Tết trồng cây”. Đến nay, phong trào trồng rừng, trồng cây phân tán đã thật sự đi vào cuộc sống, được các ngành, các cấp và đông đảo nhân dân các địa phương trong cả nước tích cực hưởng ứng theo lời dạy của Bác "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người".  Phong trào trồng rừng, trồng cây phân tán, cây che bóng trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã được các cấp, các ngành, các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng, triển khai rộng khắp và đạt nhiều kết quả; diện tích rừng trồng, cây trồng phân tán được chăm sóc, quản lý bảo vệ tốt, góp phần nâng cao độ che phủ, cải thiện môi trường, tô điểm cảnh quan, điều hòa khí hậu, điều tiết nguồn nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh,...
       Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng giao, Chi cục Kiểm lâm đã chủ động hướng dẫn các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh phát động, hưởng ứng phong trào trồng cây phân tán, cây che bóng vào các dịp tết trồng cây, đặc biệt là dịp sinh nhật Bác 19/5 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng; ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái góp phần tạo cảnh quan môi trường, bóng mát, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời yêu cầu các địa phương trong quá trình phát động và trồng cây phải mang tính thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện để tất cả các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia; lựa chọn loài cây trồng thích hợp, đảm bảo chất lượng và phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng địa phương với phương châm “trồng cây nào sống tốt cây đó”.
      Kết quả từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã trồng được gần 4,5 triệu cây phân tán các loại; các cây sau khi trồng đã được các địa phương, đơn vị trồng cây thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ, chăm sóc và hàng năm các địa phương, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã tiến hành tổng kết, đánh giá công tác trồng cây phân tán, cây che bóng trên địa bàn, đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt thông qua các hội nghị tổng kết công tác bảo vệ rừng, PCCCR, trồng rừng, trồng cây phân tán hàng năm. Một số địa phương thực hiện rất tốt việc trồng cây phân tán, đặt mục tiêu “trồng cây nào sống tốt cây đó” như huyện Cát Tiên, huyện Đạ Huoai (tỷ lệ cây sống đến thời điểm hiện tại hàng năm đạt trên 85%). Tuy công tác trồng cây phân tán, cây che bóng trên địa bàn tỉnh đã được một số kết quả nhất định nhưng vẫn còn một số khó khăn, tồn tại cần khắc phục như:
      - Việc trồng cây phân tán có diện tích nhỏ, manh mún, không tập trung nên gặp khó khăn trong việc chăm sóc, quản lý bảo vệ; vị trí trồng chủ yếu trong các khuôn viên cơ quan, đơn vị và các tuyến đường giao thông, đường liên thôn trong khi hệ thống đường sá tại các huyện và thành phố còn hẹp, chưa ổn định các công trình ngầm, nổi, việc thường xuyên sửa chữa, nâng cấp đường đã ảnh hưởng đến số cây đã trồng.
      - Vốn đầu tư cho việc trồng cây, trồng rừng phân tán hàng năm chỉ sử dụng cho việc cung cấp cây giống; chưa có kinh phí cho việc trồng và chăm sóc, quản lý bảo vệ dẫn đến tình trạng cây trồng bị chết, bị gãy, bị nhổ….
      - Một số hộ dân chưa ý thức trong việc bảo vệ cây; việc chăn thả gia súc ảnh hưởng đến cây trồng trên các tuyến đường liên thôn; một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác trồng cây, xã hội hóa việc trồng cây gây rừng; chưa chú trọng công tác chăm sóc, quản lý bảo vệ cây sau khi trồng nên tỉ lệ cây sống còn thấp; việc phân công các đơn vị làm đầu mối thực hiện trồng rừng, trồng cây phân tán thường xuyên thay đổi nên không có trách nhiệm cao trong theo dõi liên tục, chưa chấp hành nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.
     - Các địa phương chưa xây dựng được sơ đồ vị trí trồng cây qua các năm để thuận lợi trong công tác theo dõi, kiểm tra, nghiệm thu; chăm sóc và quản lý bảo vệ.
       Trên tinh thần kêu gọi các ngành, các cấp tích cực trồng cây gây rừng, UBND tỉnh Lâm Đồng hàng năm đã chỉ đạo cụ thể như sau:
     Một là: Các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; lực lượng vũ trang trong tỉnh, các trường học, bệnh viện,... huy động đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị và cùng toàn thể nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả tháng hành động trồng rừng, trồng cây phân tán, trồng hoa ngay sau lễ phát động này tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình đang sinh sống, làm việc, với phương châm "Trồng cây nào, sống tốt cây đó; cây xanh sau khi trồng phải được chăm sóc, quản lý, bảo vệ để sinh trưởng và phát triển tốt"  như Bác Hồ đã nói “đây là việc làm tốn kém ít nhưng lợi ích nhiều và lâu dài”.
     Hai là: Các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của việc trồng cây, trồng và bảo vệ rừng để nhân dân hưởng ứng tham gia tích cực hơn, hiệu quả hơn trong năm 2019 và các năm tiếp theo; đồng thời chuẩn bị đầy đủ số lượng và chất lượng cây giống, các điều kiện cần thiết để tổ chức trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán, cây che bóng gắn với ngày Quốc tế đa dạng sinh học (ngày 22/5) và ngày Môi trường Thế giới (ngày 05/6) năm 2019, phù hợp với điều kiện ở mỗi địa phương; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, để tỉnh Lâm Đồng nói chung, các huyện, thành phố nói riêng ngày càng xanh, sạch, đẹp và góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay.
     Ba là: Tiếp tục trồng bổ sung thêm nhiều cây thông 3 lá, Hoa anh đào và các loài cây đặc hữu khác của từng địa phương trên diện tích đất trống, trồng dưới tán rừng để tăng mật độ cây trong rừng thông và diện tích khuôn viên các biệt thự, trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo… ; nhằm nâng cao tỷ lệ che phủ của rừng và nâng cao chất lượng rừng nội ô Đà Lạt, góp phần cải thiện môi trường, cảnh quan - kiến trúc đô thị, giữ được hình ảnh, biểu tượng đặc trưng của“thành phố trong rừng và rừng trong thành phố” trước trình trạng bê tông hóa đô thị trong quá trình phát triển hiện nay.
     Bốn là: Đoàn thanh niên các cấp tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thế hệ trẻ, tập trung tuyên truyền và tham gia thực hiện các hoạt động “Quản lý bảo vệ rừng; trồng rừng, trồng cây phân tán” gắn với xây dựng các chương trình hoạt động và phát động các phong trào, các hoạt động như: Ngày thứ bảy vì môi trường, ngày chủ nhật xanh,... làm xanh, sạch, đẹp, giữ gìn vệ sinh môi trường, gắn với các phong trào của Đoàn để vận động, lôi cuốn đoàn viên tích cực tham gia, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi và thường xuyên, phát huy được vai trò xung kích, sáng tạo và sức trẻ trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường và làm đẹp quê hương./.
                                                         

                                                                                                                        Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên
                                                        
 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điểm Cháy Từ Vệ Tinh
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh báo biến động rừng
cảnh báo biên động
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây