Vùng rừng giáp ranh luôn là điểm “nóng”, vì hiện tượng khai thác gỗ và lâm sản trái phép thường xuyên diễn ra. Mới đây, huyện Di Linh đã triển khai đợt truy quét để ngăn chặn tình trạng phá rừng ở vùng giáp ranh thuộc lâm phần của các chủ rừng là Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Lâm nghiệp Tam Hiệp, Bảo Thuận và Di Linh giáp ranh với xã Phan Sơn, xã Phan Tiến (thuộc huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận).
Vận chuyển gỗ trái phép bằng xe máy là hiện tượng rất phổ biến |
Nhật ký truy quét
Sau đợt tham gia cùng với Chi cục Kiểm lâm và các ngành của tỉnh truy quét lâm tặc tại Tiểu khu 727 (thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp quản lý vào đầu tháng 8/2016 và đã bắt được 7 đối tượng, thu giữ 1 m3 gỗ, 7 xe máy và 2 máy cưa), theo sự chỉ đạo của UBND huyện Di Linh, Đoàn Kiểm tra liên ngành của huyện, gồm Hạt Kiểm lâm cùng với Công an và các đơn vị chủ rừng, tiếp tục triển khai truy quét lâm tặc tại rừng ở những vùng giáp ranh với các xã của huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận).
Trên địa phận rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp quản lý, Đoàn Kiểm tra liên ngành đã kiểm tra, truy quét tại các tiểu khu (TK) 724, 725, 726, 727 và 728. Qua truy quét tại các TK này đã phát hiện, giải tỏa bằng cách tiêu hủy 4 lán trại được dựng bằng bạt, không có người; phát hiện và phá hủy 3 hầm đốt than (trong đó, có 1 hầm đang đốt than và 2 hầm đã chất củi gỗ tạp nhưng chưa đốt than với khoảng 10 m3 củi/ 1 hầm). Tại hiện trường, Đoàn kiểm tra còn phát hiện 11 cây gỗ và 2 lóng gỗ với khối lượng gần 6,5 m3 chưa kịp chuyển đi, 4 gốc cây gỗ dầu đường kính 34 - 37 cm bị chặt hạ và đã chuyển đi và phát hiện 42 cây gỗ dầu đường kính 15 - 17 cm, khối lượng 11,2 m3 bị chặt hạ đã cắt ngắn để chuẩn bị đốt than. Trong lúc truy quét tại khoảnh 1 - TK 726, Đoàn Kiểm tra đã phát hiện và bắt giữ 1 đối tượng săn bắt 21 cá thể Khỉ đuôi lợn. Sau 2 ngày chăm sóc để hồi phục sức khỏe trở lại bình thường, số động vật hoang dã này đã được Hạt Kiểm lâm huyện Di Linh thả lại về rừng.
Kiểm tra, truy quét rừng tại các TK 729, 741, 742 và 743 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Thuận quản lý, Đoàn Kiểm tra liên ngành đã phát hiện dấu vết khai thác cũ ở TK 729. Đoàn xác định, tại đây, lâm tặc đã khai thác và vận chuyển gỗ Căm xe bằng xe máy dọc theo ven suối rồi đi qua các TK 727, 728 (của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp). Đoàn yêu cầu Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Thuận cần tăng cường quản lý chặt chẽ hơn nữa ở khu vực này. Truy quét tại các TK 741, 742 và 743, Đoàn Kiểm tra không phát hiện hành vi hoặc dấu hiệu vi phạm mới.
Tại lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh quản lý, Đoàn Kiểm tra liên ngành đã kiểm tra, truy quét các TK 736, 739 và 740. Qua đó, Đoàn Kiểm tra đã phát hiện, giải tỏa (tiêu hủy) 1 lán trại, thu giữ 1 cưa máy và nhắc nhở, vận động 4 đối tượng có mặt trong khu vực rừng giáp ranh trở về xã Phan Tiến (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận).
Không để rừng “nóng” tái hiện
Theo ông Hoàng Tất Dương, Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Di Linh: “Nhờ các lực lượng chức năng của tỉnh và của huyện phối hợp tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét và xử lý các đối tượng ở các địa phương khác xâm nhập vào lâm phần do huyện Di Linh quản lý để khai thác gỗ và lâm sản trái phép, nên đến nay, các điểm “nóng” đã cơ bản được kiểm soát, nhất là tại các TK 701, 702, 725, 726… Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp đã tăng cường lực lượng thường trực tại Trạm Bảo vệ rừng Sông Cùng (TK 726) và lực lượng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng của Trung đoàn 994 chốt chặn tại Dốc Đá. Tuy nhiên, tại TK 727, 728 (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp) và TK 729 (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Thuận), thời gian gần đây lại bị các đối tượng ngoài địa phương xâm nhập khai thác, vận chuyển lâm sản, đốt than trái phép, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn để bùng phát thành điểm “nóng”, nếu không tiếp tục ngăn chặn kịp thời”.
“Nguy cơ bất ổn để bùng phát thành điểm nóng” là do các đối tượng thường hay xâm nhập phá rừng là người dân của xã Phan Sơn (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) sinh sống và làm ăn dọc ven suối tại vùng rừng giáp ranh với huyện Di Linh. Trong khi đó, khu vực này cách xa Trạm Bảo vệ rừng TK 726 và lực lượng quản lý, bảo vệ của Trạm lại… mỏng, nên rất khó kiểm soát.
Trước tình huống nói trên, ông Trần Đình Sỹ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho chúng tôi biết: “Vừa qua, Huyện ủy và UBND huyện đã chỉ đạo các ngành tập trung truy quét lâm tặc tại rừng vùng giáp ranh. Nhờ truy quét mạnh, nên hiện tại rừng không còn “nóng”. Tuy nhiên, huyện đã và đang tiếp tục triển khai các giải pháp theo Văn bản chỉ đạo số 4613/UBND - LN, ngày 9/8/2016, của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên; thực hiện nghiêm túc việc đóng cửa rừng; kiên quyết xử lý các hành vi vi phám pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chống người thi hành công vụ; kiên quyết xử lý các đơn vị chủ rừng, nếu để rừng bị xâm hại và những cán bộ lợi dụng chức vụ để bao che, dung túng các hành vi vi phạm…”.
Còn Hạt Kiểm lâm huyện Di Linh, đơn vị sẽ tiến hành rà soát và đề nghị Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cho thiết kế, giao khoán quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng vùng giáp ranh chưa được giao khoán tại các TK 725, 727, 728 của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp; các TK 729, 741, 742, 743 của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Thuận và các TK 737A, 738, 739, 740 của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh. Đồng thời, Hạt Kiểm lâm huyện cũng đề nghị Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Chi cục Kiểm lâm cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp sớm thành lập Chốt bảo vệ tại TK 728 và tăng cường lực lượng bảo vệ. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp lực lượng để hỗ trợ với các đơn vị chủ rừng thường xuyên kiểm tra, truy quét và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm, xâm hại đến rừng, phấn đấu không để tái hiện rừng “nóng” trên địa bàn.