Phường 5 có diện tích tự nhiên là 3.500 ha, trong đó hơn 2.800 ha là đất lâm nghiệp. Phạm vi rừng địa phương quản lý giáp ranh các địa bàn phường 7, xã Tà Nung (TP Đà Lạt), xã Lát (Lạc Dương), xã Phi Tô (Lâm Hà) có địa hình phức tạp, mạng lưới giao thông không thuận tiện, nhiều khu vực không có đường sá nên công tác tuần tra, quản lý và phòng, chống cháy rừng gặp nhiều khó khăn. Tại khu vực giáp ranh, nhiều hộ dân sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên một phần rừng và đất rừng bị tác động xâm lấn bởi con người.
Hỗ trợ đến 10 triệu đồng/ha trồng rừng sản xuất
Tiếp tục thực hiện chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư kết cầu hạ tầng trên địa bàn, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định hỗ trợ trồng rừng sản xuất đến 10 triệu đồng/ha các giống cây gỗ lớn và 7 triệu đồng/ha các giống cây gỗ nhỏ.
Riêng trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được hỗ trợ mức 100.000 đồng/khóm (tối thiểu 3 cây/khóm) tre, luồng bảo vệ bờ sông, bờ suối. Ở mỗi mô hình trồng rừng khảo nghiệm từ 10 ha trở xuống, được nhận mức hỗ trợ không quá 60% giá thành được duyệt.
Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng áp dụng đơn giá giao khoán quản lý, bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm đối với hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh thuộc diện nghèo và cộng đồng dân cư thôn.
Đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên do các công ty lâm nghiệp trực tiếp quản lý, khoanh nuôi tái sinh được hỗ trợ 150.000 đồng/ha/năm.
MẠC KHẢI |
Bà Trần Thị Vũ Loan, Chủ tịch UBND phường 5 cho biết: “Là nơi có diện tích rừng khá lớn và giáp ranh với nhiều địa phương khác nên công tác quản lý, bảo vệ rừng là một điều hết sức khó khăn. Mặt khác, đường sá và phương tiện cũng là vấn đề đáng bàn nhưng chúng tôi luôn xác định công việc này không phải là trách nhiệm của một cá nhân nào mà cần sự chung tay của cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và hệ thống chính trị tại cơ sở, cộng đồng khu dân cư”.
Hằng năm, Ban Lâm nghiệp phường 5 với 15 thành viên đã tích cực tham mưu và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia công tác bảo vệ rừng, trồng cây phân tán, thực hiện tốt 43 quy ước bảo vệ rừng. Rà soát, lập kế hoạch xử lý giải tỏa diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái phép. Phối hợp tham gia tuần tra, truy quét các đối tượng phá rừng, khai thác rừng, khai thác khoáng sản trái phép… Qua đó, phát hiện và ngăn chặn nhiều trường hợp vi phạm về lĩnh vực bảo vệ rừng và quản lý đất đai. Tổ chức kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm như tiểu khu 148B, 159A, còn tại “điểm nóng” tiểu khu 148B phải bố trí chốt trực 24/24 giờ để hỗ trợ kiểm tra, ngăn chặn các đối tượng lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn.
Mặt khác, UBND phường 5 đã tham mưu và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng để ngăn chặn, trấn áp các đối tượng vi phạm, đối tượng chống người thi hành công vụ, điều tra làm rõ đối tượng và mức độ vi phạm để xử lý, xét xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Nhìn nhận thẳng thắn về vấn đề bảo vệ rừng và đất rừng, Chủ tịch UBND phường 5 đánh giá rằng dù địa phương đã chủ động và tích cực trong mọi trường hợp nhưng cũng gặp không ít khó khăn khi xử lý các vi phạm. Đến nay, theo hồ sơ đã lập có đến 26 vụ việc là người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc thôn 1, thôn 2, thôn 6, xã Tà Nung (TP Đà Lạt) lấn chiếm và tái lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép với diện tích 12,969 ha do Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Nung quản lý chưa được xử lý dứt điểm. UBND phường 5 đã chỉ đạo Ban Lâm nghiệp kiểm tra, rà soát, thống kê, lập hồ sơ xử lý dứt điểm và kiên quyết thu hồi để giao lại cho chủ rừng quản lý và tổ chức trồng rừng trong năm 2017.
Theo bà Loan, sở dĩ đến nay 26 trường hợp vi phạm tại tiểu khu 148B vẫn chưa thu hồi được là do người dân tái lấn chiếm đất trọc để tiến hành trồng trọt các loại cây như: cà phê, khoai môn, khoai lang, bơ, mít. Phần lớn đời sống của họ rất khó khăn, trình độ nhận thức về pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ rừng và đất rừng còn thấp nên họ bất chấp quy định và không hợp tác với cơ quan chức năng khi tiến hành giải quyết.
Tăng cường công tác vận động, biện pháp mạnh tay trong việc xử lý vi phạm nhưng tình hình vi phạm về bảo vệ rừng và đất rừng vẫn là bài toán chưa có lời giải. Vì vậy, gắn công tác bảo vệ rừng và đất rừng đến từng đối tượng, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương để quản lý khu vực giáp ranh chính là cách làm của chính quyền địa phương nơi đây trong thời gian tới.
Nguồn: baolamdong.vn