Báo cáo với Bộ trưởng Lê Minh Hoan về hiệu quả của mô hình chăm sóc, bảo vệ rừng ở thôn 1, xã Lĩnh Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An), ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Lĩnh Sơn cho biết, mô hình chăm sóc, bảo vệ rừng thôn 1 thu hút 27 hộ tham gia, nhận chăm sóc, bảo vệ diện tích 50ha rừng.
"Trước năm 2009, khu vực này toàn là đất trống đồi trọc, rừng nghèo kiệt nên cuộc sống của bà con rất khó khăn, không có nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Bắt đầu từ năm 2009, 27 hộ dân đã nhận chăm sóc, tu bổ rừng. Đến nay, rừng đã hồi sinh với nhiều loại cây tự nhiên như dẻ, dẻ gai và một số cây ăn quả có giá trị như bưởi, mít, chanh...", ông Thu cho biết.
Là người tham gia mô hình từ những ngày đầu tiên, ông Hứa Văn Minh (thôn 1, xã Lĩnh Sơn) cho biết, gia đình ông có 2ha đất rừng trồng. Trải qua những khó khăn, vất vả ban đầu, đến nay, rừng đã xanh trở lại. "Rừng đã mang lại cho chúng tôi nguồn nước, hệ sinh thái trong lành, chúng tôi nuôi ong, nuôi dê dưới tán rừng, vào mùa thì thu hoạch hạt dẻ gai, trồng cây ăn quả,... cuộc sống ngày càng ổn định", ông Minh khoe.
Ông Nguyễn Văn Hảo, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Anh Sơn cho biết, Anh Sơn có 29.000ha đất rừng, trong đó có 19.000ha rừng sản xuất, do vậy kinh tế đồi rừng rất quan trọng với người dân.
"Mô hình chăm sóc, bảo vệ rừng ở thôn 1, xã Lĩnh Sơn là một trong những điểm sáng của huyện trong công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Đã nhiều năm qua, trên địa bàn tiểu khu này không để xảy ra vụ cháy rừng nào. Để làm được điều đó, đại diện 27 hộ dân đã trở thành 27 tuyên truyền viên tích cực để người dân có ý thức giữ rừng, không đưa lửa vào rừng", ông Hảo cho biết.
Lắng nghe câu chuyện của người dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, rừng là tài sản quý, bởi vậy bảo vệ rừng không chỉ là trách nhiệm của người dân ở Lĩnh Sơn mà là trách nhiệm của toàn xã hội.
Do đó, muốn thực hiện có hiệu quả thì huyện Anh Sơn, ngành nông nghiệp Nghệ An cần quan tâm hơn đến việc hỗ trợ, cải thiện đời sống cho người dân đang tham gia bảo vệ rừng tại cộng đồng nói chung.
Theo Bộ trưởng, bảo vệ rừng, giữ rừng không nên bó hẹp trong tư duy quản lý, mà cần mở rộng thành phương thức quản trị, đó là chú trọng phát triển kinh tế từ rừng để tạo ra sản phẩm có giá trị. Bảo vệ rừng không nhất thiết phải đóng cửa rừng bằng mọi cách, mà cần có cách tiếp cận hài hoà, đồng bộ, rộng mở với người dân, gần gũi với cộng đồng thì mới tạo được tính đoàn kết trong nhân dân, kêu gọi bà con cùng chung tay bảo tồn và phát triển rừng bền vững.
Phát biểu tại Tọa đàm bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế vùng đệm tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sáng 29/7/2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, hệ sinh thái rừng không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn mang lại giá trị xã hội rất lớn.
Khi đánh đổi một diện tích đất rừng, không chỉ là đánh đổi một số ít cây rừng mà đánh đổi cả sinh kế của những người tham gia vào phát triển rừng. Để mưu cầu cuộc sống tốt hơn, con người đã lấy quá nhiều từ thiên nhiên, mà không tính đến thời gian để thiên nhiên tự phục hồi như đã diễn ra ngàn năm trước, trăm năm trước.
"Để nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, con người vô tình làm mất đi sự cân bằng tự nhiên. Có ai tính được bao nhiêu “điểm cộng” cho tăng trưởng phải đánh đổi bằng bao nhiêu “điểm trừ” do suy thoái môi trường, do biến dạng hệ sinh thái, do giảm tính đa dạng sinh học?" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt câu hỏi.
Từ thực tế đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: "Màu xanh tự nhiên đã dần biến thành màu nâu, màu xám, giờ là lúc phải chuyển từ màu nâu, màu xám trở lại màu xanh".
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng giao Cục Lâm nghiệp phối hợp các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng. Đây không chỉ là một bản đề án mang tính kỹ thuật thuần túy, mà là một cách tiếp cận mới hơn, một tầm nhìn rộng mở, xa hơn về các giá trị của tài nguyên rừng.
Tư duy về giá trị rừng đa dụng giúp hài hoà mối quan hệ giữa tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người, giữa tài nguyên hữu hình và tài nguyên vô hình, hướng đến sự phát triển bền vững.
"Sự đa dạng hóa, tính tích hợp tạo ra giá trị kinh tế mới. Bên cạnh giá trị đến từ gỗ, còn có những loài sâm và thảo dược quý hiếm, những loài nấm có giá trị dinh dưỡng cao, còn có thể phát triển chăn nuôi, thuỷ sản dưới tán rừng. Tính đa dạng không tạo ra sự xung đột, mà ngược lại tạo thêm sự cộng hưởng, phong phú cho rừng. Giá trị kinh tế mới của rừng còn đến từ dịch vụ cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, nguồn thu từ tín chỉ các-bon rừng", Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cách tiếp cận hài hòa, gắn kết giữa khoa học công nghệ và khoa học xã hội. Việc bảo tồn đa dạng sinh học với những nguồn gen” động thực vật quý hiếm, và tri thức và văn hoá cộng đồng, cũng cần được lưu giữ và phát triển trong một bảo tàng sống” là không gian rừng. Không gian rừng là không gian tinh thần, tín ngưỡng và tâm linh của đời sống con người.
"Tôi mong muốn mỗi người chúng ta hãy có một “hộ chiếu” để khám phá rừng và khám phá chính giá trị sống của chính chúng ta", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Nguồn: Báo Dân việt.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn