Đường dây nóng tố giác tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (Số Hotline): 0899 546 547

Nỗi niềm của người giữ rừng

Thứ tư - 02/08/2023 06:44

Xa nhà triền miên. Sống kham khổ giữa rừng. Thường trực đối mặt với hiểm nguy. Có người 5 năm liền không được ăn tết ở nhà. Cuộc sống của người giữ rừng là thế!

Để giữ bình yên cho những cánh rừng, những người lính kiểm lâm đã phải hy sinh không ít về cuộc sống, về hạnh phúc gia đình, thậm chí cả về sức khỏe và tính mạng. Bởi, khi rừng càng được gìn giữ chặt chẽ thì lâm tặc càng manh động. Mỗi người lính kiểm lâm phải làm việc gấp hai, gấp ba sức mình để mới có thể hoàn thành nhiệm vụ, mới có thể quán xuyến hết diện tích rừng được giao.

Ví như tại huyện trung du Tây Sơn (Bình Định), địa phương từng là điểm nóng về vận chuyển gỗ khai thác trái phép đi qua địa bàn trên sông Hầm Hô (xã Tây Thuận). Thế mà lực lượng kiểm lâm của huyện Tây Sơn chỉ có 19 người, kể cả biên chế và nhân viên hợp đồng. Trong đó, chỉ 11 người là kiểm lâm địa bàn, lực lượng có trách nhiệm gìn giữ bình yên cho gần 24.000 ha rừng tự nhiên.

Mới đây, trong một lần đi kiểm tra rừng cùng những người lính giữ rừng đang công tác tại Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, trong bữa ăn trưa, anh lính mới vào nghề 10 năm nay tình cờ kể chuyện đời kiểm lâm của anh khiến chúng tôi không khỏi cảm động.
 

Anh là Huỳnh Văn Bang, năm nay đã 40 tuổi nhưng vào ngành kiểm lâm mới 10 năm nay. Trước đây, anh Bang học ngành kế toán, ra trường làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân và làm công tác đoàn tại Đoàn phường Trần Quang Diệu (thành phố Quy Nhơn, Bình Định), nên mới 25 tuổi anh đã được kết nạp Đảng.

Cha anh Bang khi ấy cũng là lính kiểm lâm, theo truyền thống gia đình, anh đăng ký theo học thêm ngành quản lý tài nguyên rừng và môi trường hệ vừa học vừa làm do Đại học Tây Nguyên mở tại Gia Lai. Năm 2012 anh tốt nghiệp, đầu năm 2014 anh Bang nhận công tác tại Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn.

Khi ấy, huyện Tây Sơn là điểm nóng của nạn vận chuyển gỗ khai thác trái phép. Thời đó, những cánh rừng ở huyện Vân Canh (Bình Định) còn nhiều cây gõ, 1 loại lâm sản có giá trị kinh tế cao nên lâm tặc thường xuyên lăm le khai thác trái phép. Gõ khai thác phải để nguyên cây gỗ tròn mới có giá trị cao. Thế nhưng gỗ tròn đưa về xuôi bằng đường rừng thì không tiện lợi, còn xẻ ra thì gỗ mất giá trị.

Lâm tặc thì có muôn vàn mánh khóe. Thế là dòng sông Cút chảy từ Vân Canh về hợp lưu với sông Hầm Hô nằm trên địa bàn xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) bị lâm tặc lợi dụng sức nước để vận chuyễn gỗ lậu về xuôi. Những khúc gỗ gõ to sau khi bị khai thác trái phép được lâm tặc cho nổi trên 3 chiếc phao, thả trên sông Cút, trôi về đến sông Hầm Hô thì lâm tặc vớt lên để đưa đi tiêu thụ.

Theo anh Bang, những chiếc phao làm nổi những lóng gỗ gõ khai thác trái phép được làm bằng ruột xe ô tô. Mỗi chiếc ruột xe lâm tặc cắt thành 3 chiếc phao. Cắt xong, lâm tặc ép những phần cắt cho kín lại rồi lắp chân van vào, bơm lên để những chiếc phao làm cho lóng gỗ tròn nổi trên sông. Gỗ trôi xuống đến sông Hầm Hô, đồng bọn trong nhóm lâm tặc đã đón sẵn, vớt lên chở đi tiêu thụ.

“Hồi đó, gỗ gõ rất có giá, lại tiêu thụ mạnh, nên lâm tặc bất chấp sự ngăn chặn của các ngành chức năng hai huyện Vân Canh và Tây Sơn, lén lút vào rừng khai thác trái phép gỗ gõ rồi vận chuyển về xuôi tiêu thụ. Huyện Tây Sơn khi ấy là điểm nóng về nạn vận chuyển gỗ lậu, nên công việc của những người lính giữ rừng càng thêm vất vả”, anh Huỳnh Văn Bang, kiểm lâm địa bàn của Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn nhớ lại.

Trước tình trạng vận chuyển gỗ khai thác trái phép quá nóng bỏng, khi ấy, UBND huyện Tây Sơn đề nghị UBND tỉnh Bình Định lập ba chốt chặn tại bìa rừng đầu nguồn. Theo đó, chốt Cây Cầy được lập tại xã Tây Phú, chốt Đồng Le được lập tại xã Vĩnh An và chốt Làng Cam được lập tại xã Tây Xuân.

Trong 3 chốt chặn nói trên, chốt Cây Cầy là điểm “nóng” nhất của vấn nạn vận chuyển gỗ trái phép bằng đường sông, gỗ lậu theo sông Cút trôi xuống sông Hầm Hô. Bây giờ, khi nạn vận chuyển gỗ bằng đường sông đã lắng xuống, chốt Cây Cầy được giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Sơn, sau đó chốt chặn này được đơn vị giao lại cho cộng đồng 2 thôn Phú Lâm và Phú Mỹ thuộc xã Tây Phú quản lý, tiếp tục tổ chức chốt chặn để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Vừa nhận công tác về Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn vào đầu năm 2014, anh Huỳnh Văn Bang được điều động ngay lên chốt Cây Cầy và bám trụ tại chốt này đến năm 2019. Đến nay, đã qua 10 năm công tác tại Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, không có chốt quản lý bảo vệ rừng nào trên địa bàn Tây Sơn chưa in dấu chân của anh Bang. Thế nhưng chốt Cây Cầy để lại trong anh Bang dấu ấn sâu đậm nhất- dấu ấn của 5 năm trời chịu đựng cuộc sống cơ khổ.

“Từ Hầm Hô, đi bộ đường rừng lên chốt Cây Cầy phải mất đến 40 phút. Hồi ấy, chốt Cây Cầy được bố trí 4 người, 2 cán bộ kiểm lâm và 2 nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Sơn. Mỗi ngày có 2 người trực chốt, 1 cán bộ kiểm lâm và 1 nhân viên lâm nghiệp, 2 người còn lại đi tuần tra rừng, làm công tác địa bàn. Chốt Cây Cầy nằm bên bờ sông, thời tiết mùa đông đã lạnh, hơi nước từ dưới sông hắt lên khiến cái lạnh như dao cứa vào da thịt. Đêm đến phải đốt đống lửa mới có thể trụ được với cái lạnh cắt da. Nếu áp mặt vào đống lửa thì cái lưng bị lạnh, nếu áp lưng vào lửa thì khuôn mặt bị cóng đến da căng ra. Mùa đông đối với anh em trực chốt Cây Cầy dài đằng đẳng, mong mãi không thấy hết lạnh, trời ấm lại”, anh Bang nhớ lại.

Mới vào ngành kiểm lâm 3 tháng anh Bang đã vội vã cưới vợ. Bởi, nếu để lâu hơn, con gái thấu đáo hết nỗi khổ của người lính kiểm lâm thì sẽ không lấy được vợ. Vợ mới cưới mà 1 tuần mới được gặp chồng 1 lần. Đó là nói thời điểm tình hình vận chuyển gỗ lậu bằng đường sông lắng dịu, chứ lúc nóng bỏng cả nửa tháng anh Bang mới được về nhà 1 lần. Chuyện ăn uống thì kham khổ hết biết. Gạo thì dự trữ tại chốt hàng chục ký. Thức ăn thì mỗi lần trên chốt có người về xuôi khi lên mang theo mắm, cá khô, hột vịt, thịt kho thật mặn để dành ăn dần, thức ăn tươi đối với anh em trên chốt là món xa xỉ.

Theo anh Bang, mỗi lần được về nhà phải lội bộ đường rừng 40 phút mới xuống đến Hầm Hô mà anh em ai nấy đều háo hức, cảm thấy đoạn đường dường như gần lại. Thăm nhà xong, lại phải lội bộ đường rừng 40 phút để lên chốt, cũng đoạn đường ấy mà ai cũng thấy thăm thẳm. Suốt 5 năm trời bám chốt Cây Cầy tôi chịu đựng thường trực cái cảm giác ấy.

“Suốt 5 năm công tác tại chốt Cây Cầy là 5 năm tôi không được ăn tết ở nhà vì trúng ca trực. Cúng ông bà ba ngày tết tôi giao hết cho vợ. Đêm giao thừa nghĩ đến cảnh sum họp của gia đình người ta mà mình cứ cám cảnh, nhưng vì nhiệm vụ phải hy sinh.

Bây giờ, những cánh rừng trên địa bàn huyện Tây Sơn đã được yên bình, những người lính giữ rừng không còn khổ như trước. Hiện nay, huyện Tây Sơn chỉ còn rừng tự nhiên ở xã Tây Thuận nằm giáp ranh với rừng trồng của người dân thị xã An Khê (Gia Lai) nên thường bị họ xâm lấn để lấy đất trồng keo, kiểm lâm địa bàn Tây Thuận mỗi tuần phải tuần tra rừng 2-3 lần để ngăn chặn nạn xâm lấn rừng”, anh Huỳnh Văn Bang chia sẻ.

Dưới bóng đại ngàn thâm u, chúng tôi như “lọt thỏm” giữa cánh rừng nguyên sinh với những cây rừng cổ thụ, cây nào cây nấy to đến mấy người ôm. Theo tiết lộ của ông Hồ Văn Hể, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, trong hơn 10.300ha rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh được Nhà nước giao cho công ty quản lý chiếm 68% là rừng giàu và rừng trung bình, trữ lượng gỗ quý cao. Đặc biệt, rừng Vĩnh Thạnh còn nhiều cây gỗ dổi và gỗ chò cổ thụ, nhiều nhất là gỗ dổi, tập trung tại những khu rừng giáp ranh giữa huyện Vĩnh Thạnh với huyện Kbang và thị xã An Khê (Gia Lai).

“Gỗ dổi thuộc nhóm III, có giá trị kinh tế cao nên lâm tặc luôn dòm ngó, lăm le đốn hạ. Cây dổi cổ thụ còn có giá trị cao hơn bởi trong lõi có vân rất đẹp và chắc. Vân gỗ dổi cổ thụ được gọi là “chun” đang được thị trường rất ưa chuộng để sản xuất đồ mỹ nghệ xuất khẩu. Nếu gỗ dổi bình thường hiện chỉ có vài ba chục triệu đồng một khối thì gỗ dổi “chun” đến tay người tiêu dùng phải đến vài trăm triệu đồng một khối”, ông Hể cho hay.

Càng đi sâu vào rừng, chúng tôi thấy mật độ cây cổ thụ càng dày. Vừa hỗn hển leo lên con dốc, anh Võ Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, vừa chia sẻ thêm: Do có trữ lượng lớn gỗ dổi, nên rừng giáp ranh giữa huyện Vĩnh Thạnh với huyện Kbang và thị xã An Khê luôn nằm trong tầm ngắm của các đối tượng chuyên khai thác lâm sản trái phép ở Gia Lai. Đêm đến, khi bóng tối bao trùm vạn vật là thời điểm lâm tặc bắt đầu vào rừng. Không phải tìm kiếm, nơi nào có cây gỗ dổi là bọn lâm tặc đều đã nắm rõ vị trí, bởi chúng có mối gắn kết mật thiết với một số người dân địa phương rành rõi về rừng nên đã được mách bảo.

Từ huyện Kbang hay thị xã An Khê xâm nhập qua rừng Vĩnh Thạnh là con đường rất gần, nên lâm tặc thường “đánh nhanh rút gọn” để tránh bị các lực lượng chức năng phát hiện. Lâm tặc lập thành nhóm rất đông, từ 15 đến 20 người. Phương tiện khai thác là những chiếc cưa máy được giảm thanh nên lực lượng bảo vệ rừng rất khó phát hiện.

Trong rừng sâu có nhiều nơi không có sóng điện thoại di động, nên lâm tặc trang bị bộ đàm để liên lạc. Ngoài lực lượng trực tiếp khai thác trong rừng, lâm tặc còn bố trí nhiều người làm nhiệm vụ cảnh giới đứng rải rác chung quanh nơi đang khai thác. Nếu phát hiện có lực lượng kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh hoặc nhân viên bảo vệ rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh đi tuần tra là “cảnh giới viên” lập tức liên lạc thông báo ngay cho lâm tặc. Tiếng cưa máy lập tức im bặt, khu rừng trở nên yên ắng, lực lượng lâm tặc nhanh chóng tản ra, “biến mất” giữa đại ngàn.

Phương tiện lâm tặc sử dụng để vận chuyển gỗ khai thác trái phép ra khỏi rừng là những chiếc xe máy được độ chế có mã lực rất cao, đây là những chiếc xe đi rừng chuyên dụng có gắn dây cáp làm tời kéo gỗ đến nơi tập kết. Từ nơi tập kết, lâm tặc thuê những chiếc xe tải đã hết đời chở gỗ lậu đi tiêu thụ.

“Vừa rồi đơn vị chúng tôi bắt được 1 xe tải chở gỗ khai thác trái phép đã hết đời, trị giá chiếc xe chỉ chừng 40 triệu đồng. Chở chuyến gỗ ấy chủ xe được lâm tặc trả chi phí vận chuyển 40 triệu đồng, ngang giá trị chiếc xe. Tiền nhiều làm mờ mắt nên chủ xe bất chấp luật pháp chở cả xe gỗ lậu đi tiêu thụ chấp nhận “được ăn cả, ngã về không”. Khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, chủ xe lập tức bỏ của chạy lấy người. Rừng càng giàu lực lượng bảo vệ rừng càng khổ”, ông Hồ Văn Hể, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn than thở.

“Chỉ trong đêm 2/3/2022 mà lâm tặc đã đốn hạ 3 cây dổi cổ thụ có khối lượng gỗ tròn là hơn 15m3. Từ người vận chuyển lâm sản trái phép bị bắt, ngành chức năng đã điều tra trong vụ phá rừng này có đến 18 đối tượng tham gia, trong đó có đến 16 đối tượng là cư dân của huyện Kbang (Gia Lai).

Vụ án đã được Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh ra quyết định khởi tố, chuyển cơ quan Cảnh sát Điều tra huyện điều tra xử lý. Mới đây, Tòa án Nhân dân huyện Vĩnh Thạnh đã mở phiên tòa xét xử 18 đối tượng trong vụ khai thác lâm sản trái phép nói trên, nhưng xét thấy có nhiều điều chưa được làm rõ, nên hồ sơ vụ án được giao cơ quan Cảnh sát Điều tra tiếp tục điều tra thêm”, ông Hồ Văn Hể, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, cho biết.

Anh Lê Công Tám công tác tại Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn đóng tại huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) đã 24 năm, đây cũng là số năm anh đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ rừng chuyên trách. Trong quãng đời làm lính bảo vệ rừng, anh Tám đã từng bám trụ tại các chốt bảo vệ rừng Vĩnh Sơn, rồi các chốt bảo vệ rừng giáp ranh với tỉnh Gia Lai. 3 năm nay, anh Tám đảm nhận nhiệm vụ Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Lò Than nằm trên địa bàn xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh).

Trong ký ức của anh Tám, quãng đời 24 năm làm lính bảo vệ rừng của anh đầy chật những kỷ niệm, chiếm không ít trong đó là những kỷ niệm hãi hùng mà lâm tặc dành cho những người làm công tác bảo vệ rừng. Cách đây khoảng gần 10 năm, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn đã phải gồng mình ngăn chặn làn sóng xâm chiếm hàng trăm ha rừng và đất rừng do công ty quản lý của hàng trăm hộ dân ở Gia Lai. Những năm ấy, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách ở các chốt giáp ranh không chỉ khổ vì phải bám chốt nên thường xuyên xa nhà, ăn uống cơ cực, mà còn bị những đối tượng phá rừng hăm he, dùng mọi biện pháp để ngăn chặn công tác của anh em.

“Khi ấy, trên mọi nẻo đường vào rừng, những đối tượng phá rừng rải khắp nơi những cây rừng có gai to, nhọn, cứng hoặc những miếng gỗ đóng đầy những chiếc đinh to nhằm đâm thủng lốp xe của anh em khi đi đi kiểm tra rừng. Anh em bảo vệ rừng tại các chốt phải tự trang bị kỹ năng vá lốp xe máy để có phương tiện đi làm. Đó là chưa kể lực lượng bảo vệ rừng tại các chốt giáp ranh thường xuyên bị lâm tặc manh động, hăm dọa”, anh Tám nhớ lại.

Trạm Quản lý bảo vệ rừng Lò Than được giao quản lý 5.758ha rừng tự nhiên, hầu hết là rừng giáp ranh với tỉnh Gia Lai nhưng chỉ có 8 nhân viên, trong đó 6 người là lực lượng chuyên trách và 2 hợp đồng là người địa phương. Những năm trước đây, khi đường sá đi lại còn khó khăn, anh em  bảo vệ rừng tại các trạm, chốt nằm sâu trong rừng chẳng mấy khi được về nhà. Thức ăn là mắm, cá khô “toàn tập”, chẳng mấy khi được ăn đồ tươi. Đêm về thì chịu cảnh sống không điện. Điện thoại thì chọn điểm có sóng ở trong rừng đóng cái hộp gỗ bỏ hết vào đấy, chế độ chuông điện thoại chọn mức to nhất, nghe tiếng chuông reo cả mấy anh em đồng loạt chạy ra, điện thoại ai reo thì người ấy nghe.

Giờ thì đường sá đi lại thuận tiện hơn, nên dân thị trấn Vĩnh Thạnh ngày nào cũng chở nguyên “cái chợ” trên chiếc xe máy lên bán cho lực lượng bảo vệ rừng tại các trạm, chốt và bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong làng. Mới 5 giờ sáng, trạm bảo vệ rừng cử người thức dậy chờ “chợ chạy” từ Vĩnh Thạnh lên để mua thức ăn tươi, chấp nhận giá cao hơn dưới xuôi 20-30%, thức ăn tươi được tiếp tế lên các chốt nằm sâu trong rừng. Tất cả các trạm, chốt bảo vệ rừng đều được công ty xây dựng khang trang, được trang bị điện mặt trời, đào giếng nước. Chỉ những chốt ở xa quá không đào được giếng thì sử dụng nước suối hoặc nước chở từ trạm lên.

“Hiện nay, theo quy định, mỗi anh em 1 tháng được nghỉ 4 ngày chủ nhật, anh em trong trạm thay phiên nhau cứ nửa tháng 1 người về nhà 2 ngày. Sắp xếp về luân phiên để đảm bảo tại trạm, chốt luôn có người trực, không bỏ trạm, bỏ chốt”, anh Lê Công Tám chia sẻ.

Cty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh đóng trên địa bàn huyện Vân Canh được UBND tỉnh Bình Định giao quản lý hơn 13.247ha rừng tự nhiên và hơn 2.647ha rừng trồng. Rừng tự nhiên ở Vân Canh giáp ranh với huyện Kông Chro (Gia Lai) và huyện Tây Sơn (Bình Định), đó là những cửa ngõ lâm tặc lợi dụng để lẻn vào khai thác lâm sản trái phép.

Trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, với mức hỗ trợ được nhận 300.000đ/ha/năm, công ty chỉ đủ sắm công cụ hỗ trợ như bình xịt hơi cay, áo chống đạn, roi điện, dùi cui; trả lương cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; chi phí cho những đợt truy quét và hợp đồng với các tổ chức cộng đồng trên địa bàn tham gia công tác bảo vệ rừng.

Ấy thế nhưng hiệu quả chẳng có là bao. Theo ông Cái Minh Tùng, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, mỗi đợt tuần tra, truy quét công ty phải phối hợp với các lực lượng kiểm lâm, công an, cán bộ xã, ban quản lý làng và nhân viên của công ty có đến gần 30 người. Tiền ăn mỗi người 50.000đ/ngày. Đi 4 ngày chi phí hết gần 6 triệu đồng, thế nhưng chẳng cho hiệu là mấy. Bởi, khi lực lượng truy quét vào rừng thì lâm tặc “lặn” hết, khi lực lượng quay về là chúng lại túa ra làm liều.

Để ngăn chặn nạn khai thác lâm sản trái phép hiệu quả, Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh lập chốt bảo vệ rừng giữa những điểm nóng. Năm 2019, Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh thành lập 3 trạm và 1 chốt bảo vệ rừng. Trạm Hà Dế (xã Canh Liên) trấn giữ cửa ngõ giáp ranh với huyện Kông Chro (Gia Lai); trạm Cà Te (xã Canh Thuận) trấn giữ mặt Bắc giáp với huyện Tây Sơn (Bình Định), mặt Tây giáp với huyện Kông Chro (Gia Lai); trạm Canh Liên nằm ngay xã vùng cao Canh Liên và 1 chốt nằm tại điểm cực nóng là tiểu khu 337 cách trạm Canh Liên hơn 30km đường rừng.

Hàng ngày, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh chia thành từng tổ đi tuần tra rừng. Đi tiểu khu gần thì về trong ngày, tuần tra ở tiểu khu xa mất 3-4 ngày anh em phải mang võng, gạo, thức ăn theo, đi đến đâu nấu ăn ngủ nghỉ đến đó. Ngoài ra, công ty còn hợp đồng với 9 làng đồng bào dân tộc thiểu số sống cạnh rừng với mức hỗ trợ từ 2,5-3 triệu đồng/làng/tháng để các ban quản lý làng nắm bắt tình hình, thấy có biến là thông tin cho cơ quan chức năng gần nhất để kịp thời ngăn chặn.

Theo chia sẻ của ông Cái Minh Tùng, khoản kinh phí nói trên chẳng đáng gì so với công việc, chỉ đủ để các ban quản lý làng bố trí người đi lại nắm bắt tình hình, nhưng mừng là họ rất tận tình. Là dân địa phương, họ rành rõi địa bàn lắm nên nắm bắt thông tin rất chính xác. Rừng Vân Canh còn nhiều gỗ gõ thuộc nhóm IA nên lâm tặc luôn lăm le khai thác trộm. Có thời điểm lâm tặc tổ chức khai thác trái phép gỗ gõ trong rừng Vân Canh rất quy mô, đi 1 lúc 10 “bầu”, mỗi “bầu” 10 người nối đuôi nhau đi cả đoàn từ làng Cam, huyện Tây Sơn, xâm nhập vào rừng. Nhờ người trong ban quản lý làng phát hiện nên công ty kịp thời ngăn chặn. Công ty không dồi dào kinh phí dành cho công tác bảo vệ rừng, nhưng phải “thắt lựng buộc bụng” để giữ rừng.

Một thực tế chua xót là ngành lâm nghiệp bây giờ tuyển người mới khó khăn đã đành, có trường hợp đã làm việc rồi nhưng xin nghỉ đi làm việc khác, vì áp lực của nhiệm vụ bảo vệ rừng quá lớn. Trong khi nạn khai thác rừng trái phép trên địa bàn thì không giảm. Bởi, những năm qua, do khủng hoảng kinh tế nên nhiều người dân không có việc làm, trong khi rừng tự nhiên ở 2 huyện Vĩnh Thạnh và Vân Canh chiếm phần lớn là rừng giàu, còn nhiều cây gỗ có giá trị kinh tế cao, nên những người thất nghiệp lén lút vào rừng khai thác trái phép để kiếm thu nhập. Như ông Hồ Văn Hể, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn nói: “Rừng càng giàu người giữ rừng càng khổ”, không thể đúng hơn.

Nguồn: Báo Nông nghiệp.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điểm Cháy Từ Vệ Tinh
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Dự Án Giám Sát TMR
Dự Án Giám Sát TNR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây