Chị Lê Mai Dung - chủ nhân Zen Cafe Countryside Đạ Long (Tiểu khu 66, Thôn 2, xã Đạ Long), tự nhận mình là dân ngụ cư sẽ không thông thạo bằng bạn Na - nhân viên bản địa đang theo học về du lịch cộng đồng, về nguồn gốc của làng và những nét văn hóa còn gìn giữ, những gì đã bị bỏ lỡ đang được chính người dân nơi đây gây dựng lại.
Một góc Zen Cafe Countryside Đạ Long |
Chị Dung giã từ Đà Lạt cách đây 5 năm và quyết tâm định cư ở Đạ Long vì nhìn thấy một “nàng công chúa ngủ say sưa” lâu quá. Chị nhìn thấy một Đạ Long rất giống Chiang Mai (Thái Lan), Bali (Indonesia) khi chỉ là một vị khách đến Đạ Long. Đạ Long có một hệ sinh thái khác hẳn hệ sinh thái đang hiện hữu ở Đà Lạt, vô cùng phong phú, dường như có tất cả mọi thứ, chỉ thiếu mỗi bàn tay của con người, như kiểu chưa có ai đánh thức nàng công chúa để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt sắc của nàng. Đó là phong cảnh, không khí, môi trường, hệ sinh thái đa dạng hơn hệ sinh thái rừng lá kim là hệ sinh thái rừng mưa, với hệ thống sông, suối, ruộng bậc thang...
Những ngôi nhà cheo leo hướng ra những thửa ruộng bậc thang mỗi mùa một vẻ đẹp hút hồn |
Đặc biệt, vào mùa lúa chín vàng, Đạ Long trở nên khác lạ cùng với suối đá thâm trầm, giữa màu xanh mênh mông của rừng và những thảm ruộng bậc thang vàng ruộm như thả vào tâm hồn người lữ khách một sự lôi cuốn vô cùng mộng mị. Thế là, chị có cảm giác như Đà Lạt không còn phù hợp với lựa chọn của mình nữa, dù chị đã bỏ nhiều công sức phát triển hoạt động kinh doanh du lịch ở Đà Lạt và cũng khá thành công với thương hiệu ZEN suốt 10 năm trời...
Những ngôi làng xinh xắn còn giữ nghề truyền thống, rất hào hứng chào đón du khách và sẵn sàng “truyền nghề” |
Những ngày đầu đến Đạ Long, mọi thứ với chị Dung rất khó khăn, nhưng chị công nhận, thành quả là xứng đáng. Sau 5 năm gây dựng, chị quyết định chuyển cả gia đình về Đạ Long, nhập khẩu về Đạ Long. Thế là từ ý thích thoáng qua khi còn là du khách đến Đạ Long, chị Dung chính thức trở thành dân cư Đạ Long. Với 4-5 ha ban đầu, nay chị Dung đang chăm sóc, bảo vệ và gây rừng trên diện tích 23 ha; đồng thời, tập trung đầu tư, chăm chút khu rừng sinh thái khoảng 2 ha.
Xung quanh là núi đồi, nương rẫy và những ruộng lúa |
Chị Dung cũng như thấy nhu cầu và tâm tính của bản thân thay đổi, là mong muốn gần gũi với môi trường tự nhiên, chị đã chuyển hết vốn liếng từ ZEN Đà Lạt xuống Đạ Long, di thực cả cây cối để tạo nên một khu rừng mưa mà chị rất yêu thích và đang có ý định dành trọn cuộc sống ở đây, không chỉ để kinh doanh mà là để khôi phục một môi trường rừng đúng nghĩa, tức là không đốt, không tái sản xuất như những vùng rừng khác. Và chị may mắn hơn khi cả gia đình đồng thuận và cùng chung ý thích với chị.
Trong không gian xanh mát của Zen Cafe Countryside Đạ Long, giữa tiếng xào xạc của lá cây là thảnh thót tiếng chim và tiếng chuông gió đung đưa, tạo nên một điểm nhấn xinh đẹp giữa một Đạ Long thanh bình, cả chủ nhân và khách đều mong muốn, khi con đường 722 hoàn thành, đấu nối vùng Đầm Ròn với đường Đông Trường Sơn, đưa Đạ Long gần với các trung tâm du lịch lớn của Đà Lạt và Tây Nguyên, thì những phiên chợ vùng cao sẽ xuất hiện, du khách sẽ háo hức đến Đạ Long thưởng thức rau rừng, cá suối, gạo nương, trái cây nhiệt đới, heo thượng, gà đồi...
Lúc đấy, nàng công chúa không thể say sưa giấc nồng được nữa, mà sẽ cùng với những buôn làng nhỏ và xinh xắn phát triển du lịch cộng đồng, thức dậy một Đạ Long nói riêng và vùng Đầm Ròn nói chung - nơi hội tụ rất nhiều tiềm năng phong phú về đời sống văn hóa, truyền thống cư dân bản địa; đặc biệt, là hệ sinh thái, suối nước nóng, rừng già, rừng nguyên sinh, rừng thông, ruộng bậc thang, suối, sông, thác... chuyển mình!
Nguồn: Báo Lâm Đồng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn