Đường dây nóng tố giác tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (Số Hotline): 0899 546 547

Đánh giá và ký thỏa ước hợp tác về cứu hộ các loài linh trưởng nguy cấp giữa VQG Cát Tiên và các chi cục kiểm lâm

Thứ hai - 21/08/2023 20:56

Ngày 17, 18/8/2023, Hội thảo “Đánh giá và ký thỏa ước hợp tác về cứu hộ các loài linh trưởng nguy cấp giữa VQG Cát Tiên và các chi cục kiểm lâm” (gọi tắt là Hội thảo về công tác cứu hộ các loài linh trưởng Việt Nam) đã diễn ra tại VQG Cát Tiên, với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các đơn vị chi cục kiểm lâm, khu bảo tồn, vườn quốc gia và tổ chức phi chính phủ trên khắp cả nước.

 

Từ chòi quan sát, du khách có thể quan sát các loài vượn, voọc trong khu vực bán hoang dã của Đảo Tiên, VQG Cát Tiên. © cattienvietnam

Hội thảo thuộc khuôn khổ Dự án “Cứu hộ các loài linh trưởng nguy cấp Đảo Tiên, VQG Cát Tiên, giai đoạn 2021-2026”. Tại Hội thảo, đại biểu là quản lý, nhân sự đang trực tiếp làm việc trong lĩnh vực bảo tồn các loài linh trưởng của Việt Nam đã đưa ra cái nhìn tổng quan về hiện trạng các loài linh trưởng của nước ta, cũng như đánh giá hiện trạng công tác bảo tồn các loài linh trưởng trong những năm gần đây.

Theo đó, Việt Nam hiện có tổng cộng 26 loài và phân loài linh trưởng, trong đó có 4 loài và phân loài đặc hữu (chà vá chân xám, voọc mũi hếch, voọc Cát Bà và voọc mông trắng). Có đến hơn 85% tổng số loài linh trưởng tại Việt Nam được xếp vào tình trạng Nguy cấp và Cực kỳ nguy cấp. Những nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng nguy cấp của các loài linh trưởng là việc săn bắt, buôn bán và sử dụng trái phép. Bên cạnh đó, việc mất môi trường sống, sinh cảnh bị xâm hại và thay đổi cũng gây nên những ảnh hưởng lớn đến các quần thể linh trưởng. Những quần thể linh trưởng nhỏ rất dễ bị suy thoái do cận huyết, bệnh tật và thời tiết khắc nghiệt. Sinh cảnh bị thu hẹp và nghèo nàn dẫn đến giảm nguồn thức ăn trong tự nhiên, việc giao thoa với môi trường sống của con người tăng cũng dẫn đến mối đe dọa cho các loài linh trưởng tăng cao.

 

Hội thảo báo cáo các thành quả bảo tồn linh trưởng tại VQG Cát Tiên trong những năm vừa qua, có được nhờ sự hợp tác chặt chẽ với các đơn vị bạn gồm chi cục kiểm lâm các tỉnh, cũng như các trung tâm, đơn vị bảo tồn thuộc Nhà nước và phi chính phủ, sự ủng hộ trong nước và quốc tế. Cụ thể, trong thời gian từ lúc bắt đầu thực hiện Dự án, Khu Cứu hộ Linh trưởng Đảo Tiên đã cứu hộ và tái thả thành công 120 cu li, 12 vượn đen má vàng, 10 chà vá chân đen, và hiện đang tiếp tục lưu giữ cứu hộ gần 70 cá thể linh trưởng. Cho đến nay, VQG Cát Tiên đã có thỏa thuận hợp tác với 19 chi cục kiểm lâm ở các tỉnh thành tại miền Nam, Tây Nguyên và Nam Trung bộ, tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác thêm 5 chi cục kiểm lâm Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, và Hậu Giang.

 

 

Yếu tố cấp bách trong công tác bảo tồn linh trưởng luôn còn đó, khi tốc độ phát triển của con người quá nhanh dẫn đến mất cân bằng sinh thái, nhu cầu phá rừng làm đất thổ cư, đất nông nghiệp, tình trạng săn bắt trái pháp luật… vẫn đang đe dọa các loài linh trưởng của nước ta hàng ngày, hàng giờ. Tại Đảo Tiên, VQG Cát Tiên, công tác bảo tồn linh trưởng không chỉ bao gồm cứu hộ tái thả mà còn cả bảo tồn nhân nuôi, với hy vọng tăng thêm số lượng quần thể các loài linh trưởng của miền Nam. Song song đó là việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục môi trường để nâng cao nhận thức của cộng đồng, cùng chung tay bảo tồn, bảo vệ các loài linh trưởng khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Nguồn: https://cattiennationalpark.com.vn/bao-ton-linh-truong-dao-tien-vqg-cat-tien/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điểm Cháy Từ Vệ Tinh
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Dự Án Giám Sát TMR
Dự Án Giám Sát TNR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây