Ngày 22/1, UBND tỉnh Lâm Đồng công bố Quyết định công nhận Điểm du lịch Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà theo Luật Du lịch năm 2017. Đây là địa chỉ lý tưởng cho loại hình du lịch sinh thái khám phá thiên nhiên hoang dã, tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ và sự kỳ thú của hệ sinh thái rừng á nhiệt đới, với hàng trăm loài động vật và hàng nghìn loài thực vật... đã được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (2015) và Vườn di sản ASEAN (2019).
Tuyến đa dạng sinh thái Hòn Giao |
Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà nằm trên địa bàn hành chính huyện Lạc Dương và một phần huyện Đam Rông, có nhiệm vụ bảo tồn các hệ sinh thái rừng trong vùng khí hậu á nhiệt đới, núi cao và các loài động thực vật rừng đặc hữu, quý hiếm; gắn kết với các Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên kế cận để tạo thành một vùng thiên nhiên rộng lớn, góp phần cho việc bảo tồn sinh học ở cao nguyên Đà Lạt, vùng Nam Tây Nguyên và vùng Nam Trung Bộ.
|
Trekking trong Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà |
Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà có vai trò quan trọng góp phần phòng hộ đầu nguồn nước cho hệ thống sông Đồng Nai và các hồ chứa nước ở hạ lưu nhằm phục vụ các hoạt động kinh tế, xã hội của tỉnh Lâm Đồng, vùng Nam Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và duyên hải cực Nam Trung Bộ; bảo tồn các sinh cảnh rừng nguyên sinh để tôn tạo và phát triển kiến trúc đô thị của TP Đà Lạt, bảo tồn các đặc trưng văn hoá bản địa nơi cội nguồn của TP Đà Lạt, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục về rừng nhiệt đới, phát triển du lịch sinh thái và góp phần củng cố an ninh quốc phòng của tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên.
Cây pơmu 1.300 tuổi là động lực để những nhà leo núi vượt qua những con dốc |
Quan điểm quy hoạch phát triển du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà được UBND tỉnh xác định, là: Phát triển du lịch sinh thái phải đảm bảo hiệu quả kinh tế bền vững theo hướng sử dụng (mà không tiêu thụ) các dịch vụ hệ sinh thái, chia sẻ lợi ích với cộng đồng; hiệu quả từ các hoạt động phát triển du lịch sinh thái góp phần đóng góp tích cực cho các hoạt động bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa trong Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà và vùng phụ cận.
Hoạt động “Vì một triệu cây xanh cho rừng phòng hộ” |
Bên cạnh đó, phát triển du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà phải tạo ra các sản phẩm du lịch sinh thái đích thực, góp phần thỏa mãn nhu cầu của du khách, góp phần gia tăng lượng khách du lịch đến với Đà Lạt, Lâm Đồng. Phát triển du lịch sinh thái phải phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước; trong đó, khuyến khích các mô hình mang tính sáng tạo, đột phá góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển du lịch sinh thái trong hệ thống các Vườn quốc gia Việt Nam.
Giao lưu văn hoá cồng chiêng tại Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường. Ảnh: VQG Bidoup -Núi Bà |
Hoạt động du lịch tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà do Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà thực hiện, mỗi năm đón từ 8-10 ngàn lượt khách. Các hoạt động dịch vụ du lịch tại Vườn, bao gồm: tổ chức các hoạt động dịch vụ lưu trú (có nhà nghỉ, hoặc bãi cắm trại trên các tuyến), diễn giải - hướng dẫn, cắm trại, biểu diễn cồng chiêng, tham quan học tập, hội thảo, ăn uống. Các tuyến du lịch đang được khai thác tại Vườn, bao gồm: tuyến Lang Biang, tuyến Thiên Thai, tuyến Bidoup, tuyến Đa dạng sinh học Hòn Giao...
Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà cũng đang phối hợp với các phòng chức năng, đơn vị trực thuộc Vườn phát triển các sản phẩm du lịch mở rộng các chương trình trải nghiệm thiên nhiên cho các đối tượng du khách, như: tham quan Vườn kết hợp trồng cây xanh lưu niệm và bảo vệ môi trường, hội thảo, tổ chức lễ cưới kết hợp trải nghiệm khám phá Vườn; phát triển hạ tầng bãi cắm trại, mạng lưới đường mòn xung quanh khu vực dịch vụ hành chính; tiếp tục kết nối và mở rộng hợp tác với các công ty, doanh nghiệp hoạt động du lịch và trường học...
Nguồn: Báo Lâm Đồng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn