Đường dây nóng tố giác tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (Số Hotline): 0899 546 547

Gìn giữ “món quà” của rừng xanh

Thứ sáu - 16/02/2024 21:08

Với những người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhận khoán bảo vệ rừng (BVR) ở thôn Prteing 1 và Prteing 2, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, dù gặp nhiều gian nan, vất vả, thậm chí là hiểm nguy nhưng họ không quản ngại khó khăn, vẫn ngày đêm bám trụ để gìn giữ “lá phổi xanh” cho dân làng.

'Với những người nhận khoán BVR ở Prteing 2, được bảo vệ và gìn giữ rừng 
là cách mà họ đang bảo vệ “nguồn sống” của chính mình'
Với những người nhận khoán BVR ở Prteing 2, được bảo vệ và gìn giữ rừng là cách mà họ đang bảo vệ “nguồn sống” của chính mình

Theo chân những hộ dân đang nhận khoán BVR, chúng tôi thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của lực lượng bảo vệ rừng nơi đây đang phải đối mặt. Bởi mới chỉ đi được vài con dốc thẳng đứng, với quãng đường chưa đầy 2 km mà chúng tôi phải nghỉ vài lần để lấy sức mới có thể đi tiếp. Ấy vậy mà những người giữ rừng ấy hàng tháng vẫn cùng nhau đi qua hết từ cánh rừng này, đến cánh rừng khác, thậm chí có nhiều chuyến tuần tra họ đi liên tục 2 đến 3 hôm, ăn ngủ trong rừng để tuần tra, bảo vệ rừng. 

Ông Ka Tin - Tổ trưởng Tổ nhận khoán BVR Prteing 2 tâm sự: “Tổ của chúng tôi có 19 hộ gia đình và nhận khoán BVR với tổng diện tích là khá lớn. Diện tích rộng, địa hình nhiều đồi dốc nên việc tuần tra, kiểm soát rừng của người dân ở đây vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, để bảo vệ rừng, giữ rừng, cách duy nhất là đi bộ dưới tán rừng để kiểm tra từng tiểu khu, từng khoảnh rừng mà mỗi gia đình được nhận khoán”. 

Là một trong những thành viên đã gắn bó với công tác nhận khoán BVR đã lâu, anh Ka Liêm cho biết, trước kia, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc… họ bắt đầu đốn củi, lấy gỗ dựng nhà, chặt cây để bán, lúc ấy rừng là nơi duy nhất để họ có thể kiếm sống qua ngày. Tuy nhiên, từ khi được tuyên truyền, vận động từ chính quyền địa phương về nạn chặt phá rừng, mỗi người đều tự giác BVR. Những người dân ở đây còn nhớ như in ngày được Nhà nước giao khoán BVR, được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hằng quý nên thu nhập ổn định và có nhiều đóng góp cho Nhà nước. 

Xã Phú Sơn có diện tích tự nhiên 17.523,3 ha, trong đó có 12.909,3 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm 73,6%. Diện tích đất có rừng 11.050,8 ha, gồm rừng tự nhiên là 9.737,72 ha và rừng trồng là 1.312,36 ha, với độ che phủ đạt 61%, đất chưa có rừng là 1.858,5 ha. Ông Hà Thanh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết: Là xã có diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp lớn, phân bố rộng, không tập trung, nhiều nơi xen kẽ với đất sản xuất nông nghiệp và khu dân cư nên công tác bảo vệ rừng của địa phương gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, xã Phú Sơn đã xây dựng được 23 tổ và 476 hộ nhận khoán BVR. Hiện, diện tích rừng giao khoán quản lý, bảo vệ năm 2023 theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn là 9.553,51 ha, trong đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý 9.268,45 ha, giao cho 23 tổ quản lý BVR với 479 hộ nhận khoán và 1 tổ chức là Ban CHQS huyện Lâm Hà…

Cùng với đó, các tổ hoạt động tốt theo sự chỉ đạo của Đội bảo vệ rừng chuyên trách số 1, 2 và Ban Lâm nghiệp xã. Đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng, các thôn, tổ tăng cường phối hợp với lực lượng kiểm lâm trong việc tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ xâm hại rừng, triển khai các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Năm 2023, xã Phú Sơn duy trì việc tuyên truyền trên loa truyền thanh của xã tại các thôn 2 buổi/tuần về công tác quản lý, BVR, phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm lập danh sách cam kết với người dân sống gần rừng không phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp với 250 hộ; tổ chức 4 cuộc họp với các tổ, đội bảo vệ rừng với 200 lượt người tham gia. Đồng thời tổ chức lực lượng nhận khoán 10 - 15 lượt/tháng đi tuần tra, kiểm tra rừng… 

“Thời gian tới, xã Phú Sơn sẽ quan tâm triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về rừng, nỗ lực nâng cao chất lượng rừng phòng hộ, đẩy mạnh công tác trồng rừng. Đặc biệt là chú trọng và xây dựng đội ngũ nhận khoán BVR. Qua đó, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương”, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn khẳng định.

Nguồn: Báo Lâm Đồng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điểm Cháy Từ Vệ Tinh
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Dự Án Giám Sát TMR
Dự Án Giám Sát TNR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây