Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk (BQLRPH Sêrêpốk) đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong việc quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) thuộc địa bàn huyện Đam Rông.
Cán bộ QLBVR và lực lượng nhận khoán triển khai kế hoạch tuần tra rừng |
Diện tích rừng do đơn vị quản lý trải dài trên 67 tiểu khu, thuộc 6 xã, trong đó có 21.914,4 ha rừng phòng hộ và 28.902,27 ha rừng sản xuất. Địa hình nơi đây hiểm trở, giáp ranh với hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk, cộng thêm phần lớn người dân sinh sống là đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) sống bằng nghề nông nghiệp, khiến công tác quản lý rừng gặp nhiều trở ngại.
Với diện tích rừng khá lớn, nhưng hiện BQLRPH Sêrêpốk chỉ có 51 cán bộ và nhân viên, được chia thành 3 phòng chuyên môn và 10 trạm QLBVR. Trong khi đó việc quản lý rừng còn phải đối mặt với nhiều thách thức do tình trạng gia tăng giá nông sản, đất sản xuất và giá gỗ trên thị trường. Điều này đã khiến cho một số đối tượng vi phạm bất chấp và lén lút tổ chức khai thác, lấn chiếm đất rừng. Các hành vi vi phạm cũng ngày càng tinh vi và có nhiều thủ đoạn, thậm chí có những đối tượng chống đối người thi hành công vụ.
Để giải quyết tình trạng này, BQLRPH Sêrêpốk đã triển khai nghiêm túc việc giao khoán QLBVR cho người dân, đặc biệt là các hộ dân sống gần rừng. Theo đó, năm 2023, đơn vị đã giao khoán QLBVR 30.351,17 ha, giao cho 855 hộ/89 tổ và 4 đơn vị tập thể. Tuy nhiên, hiệu quả của việc triển khai tuần tra QLBVR của các hộ dân này cũng còn nhiều hạn chế. Vì vậy mà năm 2023, đơn vị đã phải thanh lý hợp đồng QLBVR với 10 hộ nhận khoán không tuân theo sự điều động của các trạm. Năm 2024 này, Ban đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng 30.206,78 ha, giao cho 867hộ/90 tổ và 4 đơn vị tập thể và đang tập trung nhiều hơn vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân về công tác QLBVR.
Tuy nhiên, xác định nhiệm vụ QLBVR là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị; hàng năm, Ban đều chỉ đạo các Trạm QLBVR phối hợp với kiểm lâm địa bàn, Ban Lâm nghiệp xã nghiêm túc và thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng trên địa bàn quản lý nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, xâm lấn đến rừng và đất rừng. Lãnh đạo Ban cũng duy trì việc kiểm tra rừng ít nhất 2 lần/tuần. Để công tác QLBVR bài bản, hiệu quả, đơn vị đã xây dựng và thực hiện nhiều kế hoạch kiểm tra; phối hợp tham gia các kế hoạch kiểm tra rừng của UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hạt Kiểm lâm, UBND các xã… nhằm mục tiêu giảm cả ba tiêu chí về số vụ, diện tích vi phạm và khối lượng lâm sản thiệt hại. Trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ riêng Ban cũng đã tổ chức xây dựng và thực hiện 11 kế hoạch kiểm tra công tác QLBVR.
Tuy vậy, thì tình trạng gặm nhấm rừng hiện vẫn còn xảy ra ở các tiểu khu giáp khu vực dân cư sinh sống, canh tác nông nghiệp. Đơn vị cũng đã chỉ đạo cắm biển báo, quản lý chặt, kiên quyết giải tỏa nếu trồng cây nông nghiệp trên diện tích đất lâm nghiệp. Thế nhưng hiện nay, việc quản lý diện tích đã giải tỏa gặp khó khăn bởi hầu hết diện tích này nằm xen kẽ với đất sản xuất nông nghiệp, nhỏ lẻ, manh mún nguy cơ tái lấn chiếm cao, không đủ điều kiện thiết kế trồng rừng, nếu trồng rừng cũng khó giữ rừng, dễ xảy ra lấn chiếm, phá hoại rừng trồng. Bên cạnh đó, một số hộ dân người ĐBDTTS hiện vẫn lợi dụng, lén lút thực hiện phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy diễn biến hết sức phức tạp. Khu vực giáp ranh với các huyện, các tỉnh tình trạng người dân qua lại, mua bán sang nhượng đất lâm nghiệp vẫn còn diễn ra lén lút, gây khó khăn cho việc QLBVR của đơn vị.
Công tác giải tỏa nếu trồng cây nông nghiệp trên diện tích đất lâm nghiệp vẫn triển khai quyết liệt và đầy nỗ lực trong những năm qua. Từ đầu năm đến nay, đơn vị vẫn tiếp tục triển khai kiên quyết nhưng ngày càng gặp khó khăn. Đặc biệt là tại Tiểu khu 199 xã Liêng S’rônh, đã gặp sự chống đối của các hộ dân. Nghiêm trọng là trong tháng 6 vừa qua, một số người dân đã kéo tới trụ sở Trạm QLBVR của đơn vị và hành hung, đe doạ,… cán bộ quản lý rừng.
Thống kê của đơn vị, 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng trên địa bàn quản lý vẫn xảy ra 5 vụ vi phạm, trong đó phá rừng 4 vụ, khai thác 1 vụ, tổng diện tích thiệt hại 19.202 m2, khối lượng lâm sản thiệt hại 11,042 m3, tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Để tăng tính răn đe, đảm bảo kỷ cương, pháp luật, tất cả các vụ vi phạm, đơn vị đã lập hồ sơ chuyển các cơ quan chức năng xử lý theo quy định; đồng thời, chỉ đạo quản lý chặt hiện trường vi phạm để điều tra xử lý.
Để giải quyết những thách thức này, BQLRPH Sêrêpốk hiện đang tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của rừng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác QLBVR, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp để người dân có thể phát triển kinh tế một cách bền vững, giảm thiểu áp lực lên rừng. Việc đầu tư cho công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, cũng cần được quan tâm hơn nữa để đảm bảo nguồn lực cho công tác tuần tra, kiểm tra, cũng như trang bị cho cán bộ và nhân viên nghiệp vụ cần thiết.
Nguồn: Báo Lâm Đồng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn