Ngày 21/6/2024, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Tổ chức WWF Việt Nam; Ban Quản lý Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) Lâm Đồng, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản; Chi cục Quản lý thị trường và đại diện hơn 100 hộ gây nuôi trồng động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng… tham gia Hội thảo “Nguy cơ từ hoạt động tiếp nhận, tàng trữ, nuôi nhốt và mua bán trái phép động vật hoang dã bị săn bắt từ tự nhiên” do Tổ chức WWF Việt Nam tổ chức.
Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng: Việt Nam là một trong 16 quốc gia về đa dạng tài nguyên sinh vật; có hơn 400 loài động vật, hơn 450 loài thực vật bị đe dọa tuyệt chủng; nhóm 15 nước về số loài thú, nhóm 20 nước về số loài chim, nhóm 30 nước về số loài thực vật và lưỡng cư bị đe dọa tuyệt chủng. Ở tỉnh Lâm Đồng có đa dạng các hệ sinh thái: hệ sinh thái rừng; nông nghiệp và khu đô thị; hệ sinh thái đất ngập nước; hệ động vật: 86 loài thú trong đó có 39 loài được nêu trong Sách đỏ Việt Nam, 28 loài được liệt kê trong Danh lục đỏ IUCN và 36 loài được ghi trong các Nghị định: số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019); số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 84/2022/NĐ-CP ngày 22/9/2021)…; hệ thực vật gồm 3.490 loài thực vật có mạch và 393 loài nấm lớn trong đó có 131 loài được nêu trong Sách đỏ Việt Nam 2007, 45 loài được liệt kê trong Danh lục đỏ IUCN 2006 và 43 loài được ghi trong các: số 160/2013/NĐ-CP, số 06/2019/NĐ-CP, số 84/2022/NĐ-CP...của Chính phủ.
Tại cuộc Hội thảo các báo cáo viên đã trình bày các nội dung: “tình trạng suy giảm đa dạng sinh học và quần thể loài”; “nguy cơ dịch bệnh giữa người và động vật hoang dã”; “nguy cơ vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã”; tham gia trò chơi “hiểu biết pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã”; “quản lý cơ sở gây nuôi động vật hoang dã”.
Bên cạnh các nội dung đã trình bày nêu trên, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp tổ chức ký cam kết với đại điện các hộ gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh với sự chứng kiến của Tổ chức WWF Việt Nam, Ban Quản lý Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) Lâm Đồng; với các nội dung được ký: chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo tồn động vật hoang dã và gây nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã có nguồn gốc hợp pháp; tuyên truyền cho người thân, cộng đồng về việc bảo tồn các loài động vật hoang dã; không tham gia săn bắt, giết, nuôi, nhốt, cung cấp, tàng trữ, cung cấp, vận chuyển, kinh doanh, quảng cáo, xuất khẩu, nhập khẩu, trưng bày động vật hoang dã và các sản phẩm của chúng trái quy định pháp luật; không tiêu thụ, mua bán, biếu tặng các sản phẩm, dẫn xuất từ động vật hoang dã trái pháp luật, đặc biệt là thịt thú rừng và chim hoang dã; kịp thời thông báo, cung cấp thông tin ngay đến lực lượng kiểm lâm, công an, chính quyền địa phương nơi gần nhất hoặc qua đường dây nóng 1800-1522 khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về động vật hoang dã; qua đó, đã ký 100 bản cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.
Tại buổi hội thảo các báo cáo viên đã trình bày, chia sẻ, giải đáp các vấn đề mà đang tồn tại hiện nay và các nội dung vướng mắc của các hộ gây nuôi động vật hoang dã. Mong muốn kết quả đạt được từ cuộc hội thảo là giúp các hộ dân hiểu biết hơn về bảo vệ động vật hoang dã đồng thời cập nhật thêm được các quy định về bảo vệ động vật hoang dã; bên cạnh đó, các hộ dân mong muốn có 01 kênh thông tin chính thống (nhóm chung) để các hộ có thể kết nối giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm; đồng thời để kịp thời nắm bắt các thông tin về quy phạm pháp luật mà đơn vị Chi cục Kiểm lâm làm đầu mối.
Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo
Phòng Thanh tra pháp chế.