Năm 2018, Chương trình UN-REDD (giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng) ở Lâm Đồng sẽ kết thúc giai đoạn 2. Trong mấy năm gần đây, chủ trương lồng ghép giữa cơ chế của Chương trình này và Chương trình phát triển lâm nghiệp được triển khai ngày càng có hiệu quả.
|
Cung cấp giống cho người dân trồng xen theo hướng tăng trưởng xanh. Ảnh: M.Đ |
Việt Nam là một trong 9 quốc gia đầu tiên được chọn thí điểm Chương trình UN-REDD và cũng là một trong những nước đầu tiên nhận được phê duyệt cho Đề xuất sẵn sàng thực thi REDD+ (giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý rừng bền vững tài nguyên rừng) thuộc Quỹ đối tác các-bon trong Lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng Thế giới. Ngày 5/4/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia REDD+ đến năm 2030 (Quyết định số 419/QĐ-TTg), với mục tiêu góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng rừng trồng; gắn và lồng ghép với việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng, tăng trưởng xanh; thu hút sự hỗ trợ của quốc tế, tiến tới tiếp cận thị trường tín chỉ các-bon; nâng cao đời sống của người dân và phát triển bền vững đất nước. Cùng đó, ngày 16/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 886/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020. Đây là các Chương trình quan trọng của ngành Lâm nghiệp trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, mục tiêu cơ bản như nhau: nhằm cụ thể hóa mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc lên 42% vào năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đồng thời tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tỉnh Lâm Đồng may mắn là địa phương được chọn triển khai chương trình UN-REDD cả 2 giai đoạn. Thực tiễn cho thấy, việc xây dựng năng lực để thực hiện các chương trình REDD phải tính đến chương trình của các đối tác phát triển khác, đặc biệt là đối tác “Hỗ trợ ngành Lâm nghiệp” (FSSP). FSSP là chương trình hợp tác của chính phủ và 15 đối tác phát triển nhằm tìm kiếm những thỏa thuận hợp tác để hỗ trợ ngành lâm nghiệp Việt Nam trên cơ sở các chính sách, chiến lược, ưu tiên và nguyên tắc thực hiện đồng thuận trong lĩnh vực quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học. Đây là hai Chương trình gắn bó chặt chẽ với nhau về quan điểm, mục tiêu, kế hoạch hoạt động và điều hành.
Các chỉ tiêu cơ bản đặt ra của các chương trình là tốc độ tăng trưởng ngành, độ che phủ, năng suất và chất lượng rừng trồng; các chỉ tiêu về bảo vệ rừng; khôi phục hệ sinh thái rừng bị suy giảm; dịch vụ môi trường rừng, giảm phát thải…
Trao đổi với ông Lê Văn Trung - Điều phối viên Chương trình UN-REDD Lâm Đồng, được biết: Lâm Đồng có 5 giải pháp cơ bản đã triển khai thực hiện lồng ghép 2 chương trình. Đó là rà soát các quy hoạch liên quan đến tài nguyên đất đai trên địa bàn theo hướng giảm phát thải. Chương trình UN-REDD đã hỗ trợ kinh phí rà soát xong quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030. Giải pháp nữa là phát triển thể chế quản lý rừng bền vững. Từ Đề án tái cơ cấu ngành thông qua cơ sở là các công ty TNHH lâm nghiệp, cụ thể là 3/8 Công ty TNHH Lâm nghiệp: Di Linh, Bảo Lâm và Đơn Dương. Tại đây, xây dựng quản lý rừng bền vững để cấp chứng chỉ rừng FSC do tổ chức GFA của Đức đánh giá. Đó còn là giải pháp triển khai xây dựng REDD+ cấp cơ sở (SiRAP) với 9 kế hoạch hành động. Gồm: 2 thôn (Preteing 2, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, hơn 4,691 ha và Kala Tơgu, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh hơn 978 ha; mỗi thôn 300 triệu đồng kinh phí); 2 xã (Đạ Nhim huyện Lạc Dương với hơn 22,057 ha và xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm với gần 8,435 ha; mỗi xã hơn 1,065 tỷ đồng). Có 5 chủ rừng gồm: Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Lán Tranh hơn 12,076 ha với gần 1,843 tỷ đồng; BQLRPH Nam Ban hơn 18,074 ha với gần 2,064 tỷ đồng; BQLRPH Sê rê pôk gần 39,680 ha với hơn 2,836 tỷ đồng; BQLRPH Tân Thượng hơn 3,499 ha với hơn 2,064 tỷ đồng và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Huoai hơn 7,671 ha với hơn 1,527 tỷ đồng. Tại 9 địa bàn này, các hoạt động ưu tiên là tuyên truyền nâng cao nhận thức; hỗ trợ về các mặt như: kỹ thuật, cây giống để trồng lại rừng, dụng cụ phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, tập huấn canh tác cà phê bền vững…
Thực trạng không chỉ ở Lâm Đồng mà nhiều địa phương khác đang diễn ra việc lấn chiếm đất lâm nghiệp để canh tác nông nghiệp, buộc phải dung hòa 2 lợi ích: bảo vệ môi trường và xã hội. Ở Lâm Đồng, Chương trình UN-REDD đã hỗ trợ Đề án phục hồi rừng trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm lâu năm bằng trồng xen theo hướng tăng trưởng xanh trên tổng diện tích 241 ha, dự kiến sẽ hoàn thành tháng 8/2018. Đây sẽ là cơ sở thực tiễn để đúc kết kinh nghiệm quan trọng, từ đó nhân rộng mô hình trên nhiều địa bàn khác.
Giải quyết khó khăn trong công tác quản trị rừng do diện tích rừng rộng, địa hình phức tạp, lực lượng thực thi mỏng, phương tiện thiếu… Chương trình UN-REDD đã hỗ trợ thí điểm hệ thống giám sát gần thời gian thực hiện, sử dụng ảnh vệ tinh nhằm mục đích phát hiện biến động lớp phủ thực vật (Terra-i) rất hữu ích. Lâm Đồng đã triển khai trên toàn diện tích rừng, đất rừng và đất nông nghiệp của huyện Di Linh. Bộ dữ liệu do Terra-i thể hiện các điểm được cảnh báo mất lớp phủ thực vật với tần suất 16 ngày trong khoảng thời gian từ tháng 1/2004 đến nay. Mặt khác, nó xác định các khu vực có nguy cơ mất rừng cao trong tương lai; đánh giá tác động của việc phát triển hệ thống giao thông, xây dựng đường sá và các công trình công cộng; đánh giá mức độ hiệu quả của các hoạt động bảo tồn của khu bảo tồn, rừng quốc gia, đưa ra các dự báo về xu hướng và phân tích diễn biến tài nguyên rừng v.v…
Về kế hoạch năm 2018 của Chương trình UN-REDD Lâm Đồng, điều phối viên Lê Văn Trung cho biết: Tổng kinh phí thực hiện hơn 213.000 USD; sẽ tập trung vào 2 hợp phần là: Đánh giá kế hoạch cấp cơ sở để tổng kết, tổ chức nghiệm thu hơn 8.000 ha chi trả sau theo cơ chế REDD tại 3 BQLRPH Nam Ban, Lán Tranh và Tân Thượng. Cùng đó, hoàn thiện hỗ trợ Đề án trồng cây lâm nghiệp và cấp chứng chỉ rừng FSC cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương.