Đường dây nóng tố giác tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (Số Hotline): 0899 546 547

Cao điểm mùa canh lửa, giữ rừng ở Đức Trọng

Thứ sáu - 28/04/2023 21:28

(LĐ online) - Với những người làm nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ rừng, có một mùa khác biệt hẳn, đó là mùa “canh lửa”. Thời tiết nắng nóng, khô hanh kéo dài, cũng là lúc những người làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng tại huyện Đức Trọng phải căng sức, vật lộn với “giặc lửa” lớn nhất trong năm.

3 ngày nay, khu rừng ven hồ Ta Hoét xuất hiện nhiều điểm cháy thực bì, khói bốc nghi ngút, ảnh hưởng tới môi trường không khí xung quanh
3 ngày nay, khu rừng ven hồ Ta Hoét xuất hiện nhiều điểm cháy thực bì, khói bốc nghi ngút, ảnh hưởng tới môi trường không khí xung quanh

• CANH LỬA TỪNG GIỜ

8h sáng ngày 27/4, một đám cháy mới lại tiếp tục bùng phát tại Tiểu khu 278 thuộc xã Hiệp An huyện Đức Trọng và sau đó có dấu hiệu lan rộng. Ngay lập tức, các lực lượng túc trực tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng xã Hiệp An gồm cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh (đơn vị chủ rừng) cùng hàng chục hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn nhanh chóng tiếp cận hiện trường, triển khai các biện pháp chữa cháy. 

Do thời tiết nắng nóng, địa hình dốc, gió thổi mạnh, rừng lại có thực bì dày nên công tác chữa cháy ban đầu gặp rất nhiều khó khăn. Các lực lượng chữa cháy tiến hành khẩn trương chặt cây, làm đường băng cản lửa, ngăn cháy lan và phối hợp triển khai chữa cháy. Sau nhiều giờ nỗ lực chữa cháy, đến 12h30 cùng ngày, ngọn lửa từ vụ cháy đã cơ bản được kiểm soát.

Khoảng 8 giờ sáng 27/4, nhân viên Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đại Ninh phát hiện Tiểu khu 278, lửa bắt đầu bùng phát trở lại trên diện tích lớn
Khoảng 8 giờ sáng 27/4, nhân viên Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đại Ninh phát hiện Tiểu khu 278, lửa bắt đầu bùng phát trở lại trên diện tích lớn

Mặc dù, vụ cháy rừng tuy đã được khống chế, nhưng lực lượng chữa cháy vẫn cắt cử nhiều cán bộ cùng người dân ứng trực ở hiện trường đề phòng đám cháy bùng phát trở lại. Và đúng như dự đoán, chỉ khoảng 20 phút sau, cách điểm dập cháy ban đầu chỉ khoảng 400m, một điểm cháy cũ lại bùng phát trở lại, khói bốc nghi ngút bay về hướng Quốc lộ 20, khu dân cư 2 xã Hiệp An và Hiệp Thạnh.

Có vỏn vẹn ít phút nghỉ ngơi trước khi đi kiểm tra các điểm có nguy cơ cháy lại, anh Lê Văn Hồng Vinh - nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh cho biết, trong vòng 1 tháng nay, anh đã tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn hơn 10 lần. Ở khu vực này, hầu như ngày nào cũng xảy ra cháy rừng với các mức độ và quy mô khác nhau. Có những đám cháy, các đơn vị vừa khống chế dập lửa xong, anh em đang ngồi nghỉ ngơi tại chỗ thì ngọn lửa lại bùng phát trở lại. Nguyên nhân theo anh Vinh là do nhiều gốc thông, quả thông cháy từ trên cao lăn xuống và nhanh chóng tạo thành mồi lửa mới.

Nhiều lực lượng căng sức chữa cháy thực bì tại Tiểu khu 278 từ 8h sáng tới 14h chiều 27/4
Nhiều lực lượng căng sức chữa cháy thực bì tại Tiểu khu 278 từ 8h sáng tới 14h chiều 27/4

Ông Nguyễn Văn Nhẫn - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh cho biết, hiện đơn vị đang quản lý 17.758,23 ha rừng và đất lâm nghiệp tại 47 tiểu khu nằm trên 13 xã, thị trấn trong huyện. Trong đó, diện tích đất rừng phòng hộ đầu nguồn là 8.120,1 ha, đất rừng sản xuất là 9.638,13 ha. Riêng những cánh rừng nằm ở các xã Hiệp An, Hiệp Thạnh luôn nằm trong nhóm những xã nguy hiểm về cháy rừng. Gần như năm nào, các xã này cũng được cảnh báo trong nhóm nguy hiểm. Do đó, đơn vị luôn bố trí lực lượng canh phòng phải thường trực tại các vùng rừng trọng điểm cháy, phát hiện kịp thời điểm cháy, báo động, thông tin kịp thời khi có cháy rừng xảy ra để ban chỉ đạo cùng cấp huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay, không được để lửa lan tràn rộng.

 

• QUYẾT LIỆT THỰC HIỆN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG

Có mặt và túc trực tại địa bàn xã Hiệp An những ngày qua, anh Phạm Minh Tiến - Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 1 thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng luôn đồng hành cũng như đốc thúc công tác tuần ra, phòng cháy, chữa cháy rừng và trực tiếp tham gia công tác chữa cháy rừng trên địa bàn.

Lực lượng chữa cháy thực bì khu vực rừng do Ban Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý nghỉ ngơi ít phút trước khi di chuyển đi dập lửa ở địa điểm khác tại Tiểu khu 278
Lực lượng chữa cháy thực bì khu vực rừng do Ban Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý nghỉ ngơi ít phút trước khi di chuyển đi dập lửa ở địa điểm khác tại Tiểu khu 278

Anh Tiến chia sẻ, nguyên nhân cháy rừng trên địa bàn huyện Đức Trọng qua theo dõi từ các năm qua thường là do hoạt động sản xuất gây ra như đốt dọn nương rẫy, đẽo ngo, phá rừng làm rẫy gây cháy lan vào rừng. Với đặc trưng khí hậu khô nóng kéo dài trong mùa nắng kèm theo gió Tây - Nam thổi mạnh, trong khi đó, ý thức phòng cháy, chữa cháy rừng của một bộ phận cán bộ và Nhân dân chưa cao, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nên nguy cơ tiềm ẩn cháy rừng vẫn thường xuyên đe dọa. Mùa khô hàng năm, mặc dù địa phương, các đơn vị chủ rừng đã xây dựng phương án cụ thể phù hợp với điều kiện địa phương mình; đồng thời, đã triển khai tích cực nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nên trong mùa khô trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra tình trạng cháy rừng.

Ông Lương Ngọc Phương - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng cho biết, huyện Đức Trọng nằm vùng giữa của tỉnh Lâm Đồng, địa hình chủ yếu là bình sơn nguyên, núi cao và dốc hình thành những thung lũng ven sông. Hiện trạng rừng phần lớn là rừng lá kim dễ cháy, điều kiện địa hình tự nhiên phức tạp, nương rẫy người dân còn nằm xen kẽ trong rừng nên đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Bên cạnh đó, nhiều diện tích rừng khi thiết kế trồng rừng không có hệ thống phòng cháy và chữa cháy như đường băng cản lửa, hồ dự trữ nước, chòi canh lửa... nên khi có cháy rừng xảy ra, đám cháy lan rất nhanh rất khó cho công tác chữa cháy.

Khi tạm khống chế được ngọn lửa được khoảng 1 giờ thì do nắng nóng cộng gió mạnh, các quả thông cháy khô, gỗ mục lăn xuống đám cỏ tranh, cỏ bụi chưa cháy. Do đó rất nhiều lần lửa cháy trở lại, khiến các lực lượng dập lửa vô cùng vất vả
Khi tạm khống chế được ngọn lửa được khoảng 1 giờ thì do nắng nóng cộng gió mạnh, các quả thông cháy khô, gỗ mục lăn xuống đám cỏ tranh, cỏ bụi chưa cháy. Do đó rất nhiều lần lửa cháy trở lại, khiến các lực lượng dập lửa vô cùng vất vả

Khi có cháy rừng xảy ra, các đơn vị chủ yếu dùng phương pháp thủ công, dùng cành cây tươi dập trực tiếp vào đám cháy, hoặc dùng cào dao phát, cuốc để làm băng trắng cản lửa; dùng biện pháp đốt chặn, dùng bình chữa cháy đeo vai và dùng máy bơm áp lực chữa cháy tại những điểm cháy mà xe ô tô có thể tiếp cận.

Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, UBND huyện Đức Trọng đã chỉ đạo cho các đơn vị gồm Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện và các lực lượng tăng cường từ các phòng ban, đơn vị thuộc huyện, lực lượng chữa cháy các cụm lân cận. Trong đó, riêng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã bố trí lực lượng hợp đồng chuyên trách phòng cháy, chữa cháy rừng gồm 22 người; lực lượng nòng cốt chữa cháy tại chỗ là các tổ đội nhận khoán quản lý bảo vệ rừng với số lượng từ 100 người; cấp xã 50 người gồm lực lượng dân quân tự vệ và khi cần thiết huy động thêm người dân đụa phương. Trường hợp vụ cháy quá lớn, vượt tầm kiểm soát, huyện Đức Trọng sẽ đề nghị hỗ trợ lực lượng tăng cường từ tỉnh và các huyện lân cận để dập tắt đám cháy.

Đặc biệt, trong dịp lễ 30/4 và 1/5, các đơn vị liên quan cùng đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện Đức Trọng vẫn phải túc trực đầy đủ quân số, túc trực 24/24 giờ để thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Nguồn: Báo Lâm Đồng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điểm Cháy Từ Vệ Tinh
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Dự Án Giám Sát TMR
Dự Án Giám Sát TNR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây