Thời gian gần đây, các phần mềm chuyên dụng và thiết bị flycam đã được ngành Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng ngày càng nhiều và thường xuyên. Đặc biệt, việc trang bị và đưa thiết bị flycam vào phục vụ các hoạt động tuần tra, kiểm tra rừng, PCCCR, giám sát diện tích rừng cung ứng đã mang lại hiệu quả ngày càng cao, nhất là ở những khu vực địa hình đồi núi hiểm trở, khó tiếp cận.
Cán bộ của Ban QLRPH Đại Ninh sử dụng thiết bị flycam kiểm tra rừng |
Lâm Đồng hiện có tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp gần 600.000 ha, chiếm gần 61% diện tích tự nhiên. Trong đó, rừng tự nhiên chiếm 455.867 ha, rừng trồng 84.237 ha. Với địa bàn trải rộng, nhiều khu vực trọng yếu, giáp ranh với nhiều tỉnh, giá trị đất tăng nên tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp vì vậy cũng có những diễn biến ngày càng phức tạp. Theo số liệu của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, trung bình mỗi năm, tỉnh Lâm Đồng thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho khoảng hơn 70% diện tích rừng toàn tỉnh. Để đánh giá kết quả quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và giám sát diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, lực lượng QLBVR ngoài thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng, còn sử dụng flycam để giám sát diện tích rừng cung ứng. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thiết bị flycam và các phần mềm chuyên ngành để hỗ trợ công tác giám sát diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh. Qua việc ứng dụng các thiết bị công nghệ cao đã phát hiện hiệu quả, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị.
Theo chân các cán bộ kiểm lâm, lực lượng nhận khoán quản lý rừng thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Đại Ninh đi tuần tra trên một cánh rừng thông tự nhiên, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến cán bộ kiểm lâm của Ban QLRPH Đại Ninh sử dụng thiết bị flycam để theo dõi diễn biến rừng vào mùa khô và quan sát diện tích rừng đơn vị giao khoán cho các hộ dân tại đây. Quan sát của chúng tôi, flycam gọn nhẹ, được trang bị camera có độ phân giải khá tốt, truyền tải hình ảnh trực tiếp và rõ nét. Bán kính quan sát rộng nên các cán bộ kiểm lâm có thể quan sát cả một cánh rừng rất rộng từ trên cao; hình ảnh được sao lưu, có thể bung lớn hơn, bay thấp xuống nơi có nghi ngờ và trực tiếp lưu vào thẻ nhớ, cũng có thể chụp hoặc quay lại bằng video và mang về đơn vị để làm tư liệu phân tích kỹ hơn. Thậm chí, thông qua hình ảnh thu được, cán bộ kiểm lâm có thể xác định được cả vị trí từ dữ liệu GPS trên thiết bị.
Không riêng ở Ban QLRPH Đại Ninh, thiết bị flycam hiện được lực lượng kiểm lâm của Chi cục, các Hạt Kiểm lâm, các Ban Quản lý rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng sử dụng rất thường xuyên và phục vụ vào rất nhiều việc. Ví dụ như phục vụ cho việc theo dõi diễn biến rừng, kiểm tra thông tin cháy rừng, các hành vi xâm hại rừng… ở những khu vực rừng có địa hình đồi dốc hiểm trở, ở những nơi vực sâu, hay ở vùng xa khó khăn trong việc tiếp cận. Chia sẻ với chúng tôi, ông Vương Anh Dũng - Phó Ban QLRPH Đại Ninh cho biết: Việc sử dụng thiết bị flycam giúp đơn vị thuận lợi hơn trong việc phát hiện, xử lý các vụ vi phạm, lấn chiếm rừng, các biến động rừng và hỗ trợ công tác PCCCR.
Hầu hết các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng đều khẳng định rằng, thiết bị bay flycam rất có ích cho lực lượng bảo vệ rừng trong việc hỗ trợ phát hiện các đám cháy, hoạt động chặt phá rừng, giúp lực lượng đo đạc, kiểm tra rừng,... Thiết bị này hoạt động hiệu quả, đỡ tốn công, tốn sức người. Trong công tác tuần tra, nếu như trước đây, lực lượng bảo vệ rừng thực hiện việc tuần tra rừng bằng hình thức đi bộ xuyên rừng, có những địa bàn phải mất thời gian cả ngày cả đêm và phải tổ chức ăn ngủ trong rừng vì địa hình hiểm trở và xa; thì nay có thể sử dụng flycam để tuần tra, kiểm tra thường xuyên hơn, hiệu quả quản lý rừng vì vậy cũng tăng lên đáng kể bởi với thiết bị bay flycam, chỉ cần bay từ 10 phút đến nửa tiếng là đã có thể bao quát toàn bộ diện tích rừng cần tuần tra.
Ngoài ra, việc sử dụng flycam vào lĩnh vực lâm nghiệp phục vụ việc tuần tra bảo vệ rừng và giám sát diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, có thể nói là cũng mang lại nhiều ưu điểm vượt trội. Đặc biệt, đối với những vùng rừng có địa hình phức tạp, bị chia cắt nhiều, giao thông khó tiếp cận thì việc sử dụng thiết bị bay flycam để phát hiện các biến động như phá rừng, cháy rừng, xâm hại tài nguyên rừng… được nhanh chóng, thuận tiện mang lại hiệu quả rõ rệt.
Nguồn: Báo Lâm Đồng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn