Đề xuất chủ trương xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Ngày 28/7/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng có Văn bản số 1802/SNN-KH gửi UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo, đề xuất HĐND tỉnh về việc đề xuất chủ trương xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong đó, đề xuất như sau:
- Trong năm 2023, theo giao biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước (Quyết định số 2480/QĐ-UBND ngày 27/12/2022) thì 13 Ban Quản lý rừng (thuộc địa bàn 09 huyện) được giao 437 biên chế viên chức. Tính đến thời điểm hiện nay, các đơn vị đã tuyển dụng được 359 biên chế và 32 hợp đồng.
- Theo kết quả bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp quản lý bảo vệ rừng đã được phê duyệt (đã phê duyệt 07/09 địa phương) thì toàn tỉnh hiện có 82 viên chức hạng III và 81 viên chức hạng IV; dự kiến khi tuyển dụng đủ số lượng theo biên chế toàn tỉnh sẽ có khoảng 193 viên chức hạng III và 190 viên chức hạng IV (trừ Ban Quản lý rừng phòng Tà Nung và Ban Quản lý VQG Bidoup Núi bà chưa đề xuất điều chỉnh chức danh).
- Trên cơ sở kết quả học tập kinh nghiệm tại tỉnh Đồng Nai, Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất UBND tỉnh xem xét, thống nhất chủ trương xây dựng, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, với phạm vi đối tượng được hỗ trợ là Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng làm việc tại các Ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh, với mức hỗ trợ tương tự như của tỉnh Đồng Nai: Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp quản lý bảo vệ rừng viên (hạng II, hạng III), mức hỗ trợ: 2.800.000 đồng/người/tháng; Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên bảo vệ rừng (hạng IV), mức hỗ trợ: 2.000.000 đồng/người/tháng.
Như vậy, khi cơ chế đặc thù được ban hành hằng năm ngân sách tỉnh sẽ bổ sung thêm khoảng 11,044 tỷ đồng (trong đó, hỗ trợ viên chức hạng III 6,484 tỷ đồng và hạng IV 4,560 tỷ đồng) từ Ngân sách nhà nước để hỗ trợ động viên lực lượng quản lý bảo vệ rừng có thêm nguồn thu nhập giúp họ an tâm công tác; qua đó góp phần thu hút, đảm bảo cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng có đủ số lượng và chất lượng để thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Sau khi được UBND tỉnh thống nhất chủ trương, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với các Sở ngành, địa phương, xây dựng dự thảo Nghị quyết; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh văn bản xin ý kiến các Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh và xã hội; và các văn bản, trình tự thủ tục khác theo quy định của pháp luật về xây dựng văn bản QPPL để làm cơ sở trình HĐND tỉnh thống nhất ban hành Nghị quyết.
Nguồn: Phòng Thanh tra pháp chế.